Theo lãnh đạo TP.HCM, sau ngày 1.8, TP sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian 1 – 2 tuần nữa để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Đường phố vắng vẻ về đêm trong những ngày TP.HCM hạn chế ra đường từ 18 giờ. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đường phố vắng về đêm nhưng còn đông vào ban ngày
Chiều 28.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong bối cảnh bước sang ngày thứ 20 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Những ngày qua, số ca nhiễm tại TP.HCM liên tục đạt “đỉnh”, ở mức 5.000 – 6.000 ca/ngày. Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho hay TP cần thêm thời gian để đánh giá các kịch bản dịch Covid-19 sau ngày 1.8. Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị 12 của Thành ủy, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và các chỉ đạo của UBND TP.HCM. “Sau ngày 1.8, TP.HCM sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian để thực hiện các biện pháp, có thể là 1 – 2 tuần nữa”, ông Mãi nhìn nhận.
Cũng theo ông Mãi, đường phố rất vắng về đêm nhưng lượng người di chuyển ban ngày (6 – 18 giờ) vẫn còn đông, người dân vẫn tiếp xúc nhiều. Do đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý các vi phạm. TP.HCM sẽ kiểm tra xuống tận cơ sở để chấn chỉnh, uốn nắn những nơi làm chưa nghiêm.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài tác động trực tiếp đến đời sống người dân, ông Mãi cho biết TP đã có kế hoạch đáp ứng tương đối nhu cầu của người dân. Cụ thể, TP.HCM sẽ rà soát nhu cầu người dân ở từng phường, xã, thị trấn, khu phố về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ bổ sung nguồn hàng, cách thức cung ứng cho người dân, nhất là người trong khu phong tỏa như đi chợ mua một lần cho nhiều ngày, đi chợ thay… Đồng thời, rà soát số lượng hộ nghèo, hộ khó khăn, không đăng ký tạm trú để có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Mở rộng thời gian tiêm vắc xin sau 18 giờ
Về tiêm vắc xin Covid-19, theo ông Phan Văn Mãi, TP xác định cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin; trong đó kiến nghị Bộ Y tế đơn giản hóa quy trình tổ chức tiêm chủng và tăng cường lượng vắc xin Covid-19 về địa bàn. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP.HCM đã thống nhất mở rộng thời gian tiêm chủng sau 18 giờ.
Đối với công tác điều trị, ông Mãi thông tin, nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế hiện nay là nâng cao công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19, bao gồm cả áp dụng phương án cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà bởi trong đợt dịch vừa qua, số F0 tăng cao khiến công tác cách ly, điều trị của TP dần quá sức. Với số ca mắc Covid-19 hiện khoảng 70.000 người, việc chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng và bệnh lý nền là cần thiết. Bên cạnh đó, việc cách ly F0 tại nhà, kết hợp với các phương án giám sát, tư vấn phù hợp, tạo cơ chế phản ứng nhanh sẽ giúp giảm tải áp lực lên cơ sở thu dung.
Nhiều địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16
Chiều 28.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến nhanh với 19 tỉnh, TP phía nam sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương bày tỏ lo ngại diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, ghi nhận thêm các ca nhiễm, một số ổ dịch mới xuất hiện khi tăng cường xét nghiệm, tầm soát trong những ngày qua. Cùng với đó, các tỉnh, TP miền Tây đang chịu áp lực rất lớn từ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch. Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Phó thủ tướng cho biết, sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh đến hôm nay vẫn còn rất phức tạp. TP.HCM, một phần của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, thời gian còn phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng. Phó thủ tướng yêu cầu phải thực hiện thật nghiêm và triệt để mục tiêu giãn cách theo Chỉ thị 16. Đấy là giải pháp căn cơ nhất và chỉ có bằng cách giãn cách thật nghiêm mới làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Chí Hiếu
|
Nhằm nâng cao năng lực điều trị, các bệnh viện (BV) tuyến quận sẽ áp dụng mô hình chia đôi BV, chuyển đổi một phần sang điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm “chia lửa” cho các cơ sở điều trị Covid-19 đang có dấu hiệu quá tải. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị tùy thuộc vào năng lực và cơ sở vật chất. Các BV dã chiến tiếp tục được xây dựng, chuyển đổi công năng, dự kiến có thêm 1 – 2 BV trong tuần tới. BV hồi sức Covid-19 đang tiếp tục hoàn thiện để nâng công suất tối đa 1.000 giường; đồng thời huy động các BV lớn, BV tư nhân uy tín tham gia điều trị, hồi sức các bệnh nhân rất nặng.
Theo Sỹ Đông/TNO
Bình luận (0)