“Việc rà soát, quy hoạch mạng lưới trường học phải phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển từng địa phương, không chạy theo con số mà phải đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển địa phương”.
TP.HCM cơ bản đáp ứng đủ chỗ học cho con em thành phố
Nhấn mạnh được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nêu ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3-1-2003 của UBND TP.HCM về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành GD-ĐT TP đến năm 2020.
Cơ bản đáp ứng đủ chỗ học cho con em thành phố
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong những năm qua quy mô ngành GD-ĐT TP phát triển về cả số lượng, chất lượng. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các phường, xã, TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện, góp phần đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT. Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở TH là 74,1%, THCS là 57,89%, THPT là 95,68%.
Tính đến hết năm 2020, TP đạt được 292 phòng học/10.000 dân; số học sinh trên địa bàn TP đã tăng 1,63 lần, số phòng học tăng 2,06 lần so với năm 2003. Cụ thể, tổng số trường là 2.366, tăng 1.047 trường. Tổng số học sinh là 1.682.908, tăng so với năm 2003 là 651.968 học sinh. Tổng số phòng học là 48.054, tăng 24.683 phòng, tổng số lớp học là 48.907, tăng so với năm 2003 là 22.372 lớp.
Trong giai đoạn từ năm 2003-2020, bình quân mỗi năm số học sinh TP tăng khoảng 50.000, tập trung nhiều ở bậc trung học. Trong đó tăng nhanh ở các quận như 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, TP.Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tập trung các KCX, KCN, dân số tăng cơ học cao.
Hiện nay, TP đã cơ bản đảm bảo chỗ học cho học sinh TP. Tuy nhiên, sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định theo điều lệ trường, diện tích đất/chỗ học thấp hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp.
Ngành GD-ĐT TP dự kiến tổng số trường học tăng đến năm 2030 là 992 trường, tổng số học sinh tăng là 396.313 học sinh, tổng số phòng học tăng là 20.904 phòng. Nhu cầu số phòng học mới giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn TP là 26.312 phòng.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường học giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành GD-ĐT TP đã đề ra 4 nhóm giải pháp thực tiễn, bao gồm các nhóm giải pháp về quy hoạch; nhóm giải pháp về đất; nhóm giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất; nhóm giải pháp về đầu tư huy động vốn.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh, TP xác định mục tiêu, quy mô phát triển mạng lưới trường lớp ngành GD-ĐT, từ đó xác định quy mô đầu tư tương ứng về quỹ đất và vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải pháp đến năm 2030.
Cạnh đó, duy trì ổn định và phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục TP hợp lý, hài hòa, đảm bảo công bằng xã hội, tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân TP, đáp ứng yêu cầu căn bản đổi mới giáo dục.
Ngành GD-ĐT tiếp tục duy trì, củng cố, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện đại, tập trung cho các trường chuyên, mô hình trường tiên tiến, đa dạng loại hình trường lớp, các trường ở các xã nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Phải đảm bảo chất lượng giáo dục
Tham dự phát biểu chị đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực của ngành GD-ĐT TP, các địa phương, sở ngành trong phát triển hệ thống trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, dịch vụ học tập trong suốt gần 20 năm thực hiện QĐ số 02 năm 2003 về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học của UBND TP.
Ông khẳng định, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, chuẩn hóa, hội nhập quốc tế… là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay.
Là một TP lớn, đóng vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục, TP.HCM chú trọng quy hoạch, phát triển mạng lưới giáo dục, trường học, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của con em TP, góp phần phát huy chất lượng GD-ĐT. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, XI đã đặt ra chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đến trường từ 3-18 tuổi.
Tuy vậy, ông Lê Hòa Bình cho rằng vẫn còn những khó khăn, thách thức, đòi hỏi tiếp tục quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2045, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em TP, nhu cầu đổi mới GD-ĐT trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Từ thực tiễn triển khai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hòa Bình đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung phân tích có giải pháp, hành động cụ thể, nghiên cứu tham mưu thực hiện 4 nhóm giải pháp đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường học. Tập trung tham mưu tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc phát triển hệ thống trường lớp.
Trong đó, ông yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện rà soát giải tỏa đồ án quy hoạch, song song với quá trình thực hiện phát triển quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Trong giai đoạn đó, có quy hoạch GD-ĐT giai đoạn 2021-2030 theo luật Quy hoạch.
“Chúng ta điều chỉnh quy hoạch chứ không phải lập quy hoạch mới, cần sự vào cuộc của tất cả các sở ban ngành. Muốn làm được thì UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phải huy động tất cả nguồn lực đất đai, đồ án quy hoạch, dự án quy hoạch, cam kết thực hiện các công trình công cộng là công viên, trường học. Không có lý gì cứ đến năm học mới là thiếu trường, lớp”, lãnh đạo UBND TP nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND TP cho hay, từ tổng kết này, UBND TP sẽ xem lại các bài học kinh nghiệm, các vấn đề nào đạt được thì tiếp tục thực hiện, vấn đề nào chưa thì điều chỉnh. Ví dụ, về sĩ số học sinh/lớp học, tỷ lệ diện tích sân trường, quy hoạch trường học đối với ngoại thành, nội thành…, làm sao đảm bảo điều kiện tối ưu nhất cho học sinh TP.
Ông cũng đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT chủ động làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính điều chỉnh lại cơ sở vật chất trường học khi sử dụng làm các bệnh viện dã chiến, đáp ứng nhu cầu cho học sinh tới trường học trực tiếp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh, việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển từng địa phương, không chạy theo con số mà phải đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển địa phương. Ưu tiên ngân sách quy hoạch phát triển ở các địa bàn tăng dân số cao, tập trung nhiều KCN, KCX như TP.Thủ Đức, Q.7, 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh.
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các phương án, chính sách ưu đãi, huy động các nhà đầu tư, các nguồn lực ngoài nhân sách, phát triển mạng lưới trường lớp, chia sẻ áp lực về mặt sĩ số các trường công lập. Rà soát các dự án chậm triển khai, có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa các nhà đầu tư đã giao đất nhưng chậm triển khai phát triển công trình trường học.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)