Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Lao động nữ chưa qua đào tạo – những vấn đề xã hội trong kỷ nguyên số” do Hội Liên hiệp Phụ nữ VN và Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức ngày 30.11.
Ông Trần Quý Long, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cho biết theo điều tra lao động việc làm công bố năm 2017, tỷ lệ nữ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật là 81,6%, cao hơn so với nam là 76,7%.
Trong khi tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo ở khu vực thành thị chiếm khoảng 57% thì ở nông thôn lên đến 88%. Trong tất cả vùng miền, lao động nữ chưa qua đào tạo ở Tây nguyên và ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 93,2% và 92,8%. Hầu hết phụ nữ chưa qua đào tạo làm các công việc giản đơn, tập trung ở nhóm lớn tuổi, học vấn thấp, khu vực miền núi… Lao động nữ làm các công việc giản đơn gặp nhiều bất lợi hơn so với lao động qua đào tạo về đời sống vật chất như tiện nghi sinh hoạt, nhà ở, điều kiện kinh tế và có thu nhập thấp.
Theo bà Vương Thị Hanh, nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN VN, trên 80% lao động nữ chưa qua đào tạo là tỷ lệ quá cao. Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, vì người lao động không muốn đào tạo hay vì chưa có chiến lược, chính sách phù hợp và chưa đầu tư thích hợp.
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra những thách thức mà lao động nữ chưa qua đào tạo phải đối diện trong lao động việc làm. Họ bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và áp lực gánh vác các định kiến trách nhiệm với gia đình. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước cần đưa ra những giải pháp tạo công bằng cho lao động nữ nói chung và lao động nữ chưa qua đào tạo nói riêng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
T. Hằng/TNO
Bình luận (0)