Trong nhu cầu thị trường lao động dịch chuyển, xu hướng ngành nghề phong phú, học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Nhưng để xây dựng được một giá trị hành nghề, ngay từ bây giờ các em học sinh phải trả lời được câu hỏi rằng mình muốn làm công việc gì trong tương lai nhằm lựa chọn một ngành học phù hợp với tố chất và năng lực.
ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) tư vấn thêm cho học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi
Đó là chia sẻ hữu ích được các chuyên gia đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 vừa diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Phải trả lời được câu hỏi: mình muốn gì?
Lời khuyên này được ThS. Đoàn Thanh Phong (Trưởng bộ phận tuyển sinh, UEF) đưa ra trước băn khoăn của học sinh trong trường rằng “học tài chính ngân hàng có làm được kế toán không?”. Theo ThS. Phong, không chỉ có ngành tài chính ngân hàng mà bất kể học ngành nào có liên quan đến các con số đều có thể ra làm được kế toán. Tuy nhiên, với mỗi sự rẽ ngang đó sẽ có những khác biệt riêng trong giá trị hành nghề. Điều quan trọng là bản thân các em ngay từ khi quyết định cần phải biết mình muốn làm gì, muốn theo đuổi công việc gì để lựa chọn.
“Muốn theo ngành kế toán, các em phải là người yêu thích các con số, có tính tỉ mỉ. Nếu muốn theo ngân hàng thì bản thân phải thích làm việc trong môi trường năng động nhưng biết lường trước những rủi ro… Dù mỗi ngành đều có sự liên quan với nhau nhưng những tố chất lõi thì lại hoàn toàn khác nhau. Nên khi xác định các em cần phải cân nhắc”, ThS. Phong nhắc nhở.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) chia sẻ, trước khi đặt bút đăng ký theo học ngành nào, các em cần phải hiểu xem bản thân mình có thật sự yêu thích ngành đó hay không. Nếu thật sự yêu thích thì hãy học cho thật đàng hoàng, không ngừng tích lũy các kiến thức và kỹ năng cả chuyên môn lẫn năng lực sao cho thật tốt về ngành đó. Đó là cách mà các em xây dựng cho mình một giá trị hành nghề đúng đắn.
Lời khuyên được ông Tuấn đưa ra cho các em học sinh là đừng bao giờ “đứng núi này trông núi nọ”. “Rất nhiều sinh viên khi đang học trường này vẫn mơ về một trường khác, khi đang học ngành này vẫn ngóng về ngành học khác có vẻ “hot” hơn. Nhưng như thế chỉ khiến mất thời gian, tiền bạc, công sức của các em mà thôi. Khi các em đã quyết định theo đuổi ngành nào đó, cảm thấy phù hợp với bản thân thì hãy cứ theo đuổi và đừng bao giờ sợ thất nghiệp”, ông Tuấn nhắn nhủ.
Không trường học nào đào tạo nghề… lương cao
Trong chương trình, câu hỏi được nhiều học sinh quan tâm nhất là vấn đề lương khi mới ra trường: làm sao để có lương khởi điểm ở mức ngàn USD?
Về câu chuyện “lương khởi điểm… ngàn USD”, theo các chuyên gia, đây là vấn đề thực tế mà sinh viên nào cũng quan tâm và ao ước. Có những sinh viên vừa ra trường đã được doanh nghiệp trải thảm đỏ mời về làm, sẵn sàng trả cả ngàn USD, thậm chí hơn nữa. Nhưng cũng có những sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, loay hoay đi làm đủ thứ nghề, thậm chí chạy… grap. “Câu chuyện lương cao hay thất nghiệp là phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực, giá trị nghề nghiệp của bản thân các em. Không trường học nào, giáo trình nào đào tạo các em lương cao, kiếm được nhiều tiền mà chính bản thân các em tự đào tạo mình”, ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) chia sẻ.
Hơn 10.000 học sinh An Giang được tư vấn hướng nghiệp Cuối tuần qua, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM và Sở GD-ĐT An Giang tổ chức, có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã diễn ra ở 7 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tại 7 trường trên, các em học sinh quan tâm nhiều đến nhóm ngành du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh UEF), để theo được những ngành nghề này đỏi hỏi các em phải có tố chất đặc biệt; phải là những người yêu thích sự phục vụ con người, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. “Những nhóm ngành về du lịch, dịch vụ, cơ hội nghề nghiệp rất rộng. Thế nhưng, tùy từng trình độ mà các em sẽ có những vị trí công việc khác nhau. Dù là vị trí công việc nào các em cũng phải đặt sự tỉ mỉ, nhẫn nại lên hàng đầu”, ThS. Nguyên nói. Để có cơ hội việc làm tốt trong nhóm ngành này, ThS. Nguyên đưa ra lời khuyên: ngay từ bây giờ các em cần phải trang bị cho bản thân khả năng ngoại ngữ tốt và các kỹ năng mềm. Được biết, tại tỉnh An Giang, chương trình sẽ diễn ra ở 18 trường THPT, dự kiến có hơn 10.000 học sinh lớp 12 được tư vấn, hướng nghiệp lựa chọn ngành nghề. Y.Hoa
Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: Anh Thư |
Theo ThS. Huy, để có thể kiếm được một công việc tốt, có mức lương cao ngay khi vừa ra trường không phải là chuyện khó nhưng cũng không đơn giản. Có được kết quả đó là cả một quá trình dài cố gắng, phấn đấu. Đòi hỏi các em luôn phải nỗ lực, đào sâu nghiên cứu, không ngừng học hỏi thêm các kỹ năng mềm. Trong đó, đặc biệt là phải có năng lực ngoại ngữ tốt.
Trước vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn bổ sung thêm, học ĐH không khó nhưng quan trọng là phải xác định được một ngành học phù hợp cho bản thân. Lương cao hay thấp không nằm ở tấm bằng ĐH mà nằm ở năng lực của bản thân các em – chính là những kiến thức mà các em tích lũy được trong quá trình học. “Do đó, các em đừng vì chữ ĐH mà chọn sai ngành, sai nghề. Bất kể cấp học nào cũng có những giá trị riêng. Để có một công việc tốt, lương cao thì bản thân phải cố gắng. Ngoài chuyên môn phải biết trang bị cho bản thân kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin để có những có hội việc làm tốt”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)