Các trường cao đẳng đang từng bước thay đổi bằng cách đóng cửa ngành cũ khó tuyển, xin mở ngành mới phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động.
Giảng viên và sinh viên ngành công nghệ ô tô của một trường CĐ trong giờ thực hành. Ảnh N.V.S
Ưu thế với các ngành dịch vụ, công nghệ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết trong mấy năm gần đây, ngành công nghệ giấy của trường rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Năm 2018, chỉ có dưới 10 thí sinh trúng tuyển nên không đủ số lượng để mở lớp. Vì vậy, trường dự kiến sẽ dừng tuyển sinh ngành học này và nghiên cứu để xin mở một số ngành mới.
Trong khi đó, tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex, bà Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng, thông tin do thấy nhu cầu nhân lực ngành du lịch đang thiếu, và người học cũng rất thích học những ngành này, nên trường sẽ mở rộng thêm các ngành nghề như quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành. Bà Vân cho biết thêm: “Trong năm 2019, trường cũng dự kiến mở thêm các ngành tiếng Hàn, tiếng Nhật. Các doanh nghiệp Nhật, Hàn đầu tư vào VN ngày càng nhiều, vì vậy họ rất cần tuyển dụng nhân lực biết tiếng nước họ. Bên cạnh đó, việc hợp tác lao động giữa VN và Hàn, Nhật cũng phát triển, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tiếng Nhật, Hàn có thể xuất khẩu lao động với những cơ hội thu nhập rất cao”.
Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều ngành nghề truyền thống không còn phù hợp. Thị trường lao động có những yêu cầu mới, nên những ngành nghề mới cũng xuất hiện hoặc những ngành nghề đã có cũng phải đổi mới về chất lượng để đáp ứng yêu cầu đó”.
Theo tiến sĩ Thành, những ngành như thiết kế thời trang, thư ký văn phòng tại trường hiện đang ít dần người học, nên trường sẽ không tuyển sinh nữa. Thay vào đó, trường sẽ tập trung đầu tư phát triển ngành công nghệ ô tô và phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại. “Đây là 2 ngành mà thực tế đang rất cần, khi VN là một thị trường ô tô đầy tiềm năng, đồng thời VN cũng đã xuất hiện thương hiệu xe hơi đầu tiên. Ngành này học xong cũng có thể làm việc cho các doanh nghiệp xe hơi của Nhật tại VN hoặc tại Nhật. Hiện nay Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về đầu tư tại VN, nên sinh viên tốt nghiệp giỏi tiếng Nhật không bao giờ thiếu việc làm”, tiến sĩ Trần Mạnh Thành thông tin thêm.
Tập trung vào những ngành đang có nhu cầu cao
Trước đây, Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghệ Vạn Xuân từng mở các ngành công nghệ như điện ảnh truyền hình, điện – điện tử, quản trị kinh doanh… Tuy nhiên, những ngành này thời gian qua trường tuyển khá khó khăn. Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng, nhận định: “Trong thời điểm này, nếu những ngành nghề cũ vẫn giữ nguyên, không đổi mới thì rất khó thu hút. Chúng tôi sẽ không đào tạo chung chung nữa mà đi sâu vào những công việc cụ thể. Ví dụ ngành công nghệ điện – điện tử sẽ tập trung vào các chuyên ngành như điện tử thiết bị truyền thông, điện tử led. Ngành quản trị kinh doanh thì tập trung vào quản trị nhân sự… Ngoài ra, chúng tôi dự kiến mở các ngành điều dưỡng, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng khách sạn, chăm sóc sắc đẹp. Đây đều là những ngành phù hợp với xu thế và thị trường lao động đang rất cần”.
Bà Diệu Anh cho biết dù thay đổi định hướng ngành nghề thì giảng viên vẫn không bị ảnh hưởng vì giảng viên không chỉ dạy ngành đó mà còn dạy nhiều ngành khác ở trong cùng nhóm ngành. Với những ngành thay đổi theo hướng chuyên sâu, các học phần này trường sẽ mời các chuyên gia ở doanh nghiệp về dạy.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhìn nhận, các trường CĐ sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề để thu hút tuyển sinh là việc cần thiết trong giai đoạn này. “Tổng cục cũng nhận được nhiều hồ sơ xin mở ngành mới. Chúng tôi khuyến khích các trường thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đào tạo những ngành hấp dẫn người học, hấp dẫn doanh nghiệp”, tiến sĩ Minh chia sẻ.
Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)