Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Liên thông ở trường nghề: dễ hay khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài các ưu điểm khi học TC, CĐ nghề là thời gian học ngắn, có việc làm ngay, tiết kiệm chi phí…, người học còn được học liên thông lên ĐH. Đây là một trong những lý do mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện được nhiều học sinh quan tâm, thậm chí chọn học ngay sau tốt nghiệp THCS.

Học sinh một trường nghề trong giờ thực hành

Để đáp ứng nhu cầu của người học cũng như thu hút tuyển sinh, nhiều trường nghề đã “chạy đua” liên kết với các trường ĐH-CĐ tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được liên thông đúng ngành nghề đã học.

Cuộc đua… liên thông

TS. Bùi Văn Hưng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) khẳng định được học liên thông là một trong những ưu điểm để học sinh lựa chọn học nghề. Và để đáp ứng nhu cầu chính đáng đó, nhiều năm nay Trường CĐ Kỹ nghệ II đã tuyển sinh liên thông TC lên CĐ và liên kết với nhiều trường tuyển sinh liên thông ĐH. Theo đó, từ đầu năm 2018, trường đã tuyển sinh CĐ liên thông từ TC lên CĐ chính quy ở các ngành công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, hàn… Ngoài ra, trong năm 2018, trường cũng đã tuyển sinh đợt 4 liên thông từ CĐ nghề lên CĐ chính quy ở các ngành thị trường lao động trong và ngoài nước đang cần như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn, quản trị mạng máy tính, cắt gọt kim loại, cơ điện tử, kỹ thuật xây dựng…

Năm 2018 Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ tuyển sinh liên thông TC lên CĐ nhiều ngành với thời gian đào tạo 1 năm, tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành. Tương tự, Trường CĐ Lý Tự Trọng cũng tuyển sinh chuyển tiếp liên thông CĐ hệ chính quy năm 2018 các ngành bảo trì và sửa chữa ô tô, quản trị mạng máy tính, công nghệ kỹ thuật nhiệt, điện công nghiệp và dân dụng… Theo đó, học sinh hoàn thành chương trình 9+3 đã được công nhận tốt nghiệp TCCN hoặc TC nghề; hoàn thành chương trình 12+2 được công nhận tốt nghiệp TCCN tại trường là đủ điều kiện học liên thông. “Chương trình đào tạo hệ này cũng giống như chương trình đào tạo CĐ chính quy của trường với thời gian đào tạo 1 năm, học vào các buổi tối trong tuần…”, đại diện bộ phận tuyển sinh của trường thông tin.

Nhóm ngành sức khỏe: cơ hội liên thông hẹp

Quy định về liên thông thuận lợi ở nhiều ngành nghề, song đối với nhóm ngành sức khỏe (điều dưỡng, dược…) lại bị ràng buộc mà đại diện các trường cho là phi lý dẫn đến tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Hiệu trưởng một trường CĐ có đào tạo nhóm ngành sức khỏe cho rằng, từ năm 2003 đến nay đã có nhiều thông tư, quyết định… về chính sách liên thông thay đổi nhưng vẫn còn quy định “ngặt”. Cụ thể, những người đã có chứng chỉ hành nghề hoặc ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (5 điểm trở lên/thang điểm 10) thì mới đủ điều kiện theo Quyết định 18 của Chính phủ, ngày 31-5-2017 về liên thông giữa trình độ TC, CĐ với trình độ ĐH. Quyết định này cũng quy định người có bằng TC đăng ký liên thông lên trình độ ĐH phải dự tuyển cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh ĐH hằng năm của các trường ĐH. Đây là quy định làm khó người học cũng như khó cho các trường.

Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức) cho rằng quy định liên thông khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phân luồng học sinh sau THCS: mục tiêu của Bộ LĐ-TB&XH đến năm 2020 phải có 30% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề và đến 2025, con số này là 40% khó mà đạt được.

ThS. Nguyễn Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM) lo ngại công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã khó khăn, trong khi quy định liên thông lại gây khó hơn làm mất cơ hội học tập của người học. Vì điều kiện nào đó mà người học phải chấp nhận đi đường vòng nhưng lại không được liên thông nên cũng chẳng ai mặn mà học TC hay CĐ nghề.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức) cho rằng quy định liên thông khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phân luồng học sinh sau THCS: mục tiêu của Bộ LĐ-TB&XH đến năm 2020 phải có 30% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề và đến 2025, con số này là 40% khó mà đạt được.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng của người lao động trong thị trường lao động thời hội nhập, TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu các trường đổi mới chương trình đào tạo, cơ cấu lại ngành nghề. Đồng thời tổ chức đào tạo liên thông ở các nhóm ngành nghề, tạo điều kiện để người học nâng cao kỹ năng, bổ sung hệ thống văn bằng… Về rào cản trong liên thông đối với nhóm ngành sức khỏe, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã ghi nhận ý kiến của các trường, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi.

T.Anh

Bình luận (0)