Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần xây dựng trường học không bạo lực

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường và phụ huynh cấn tạo môi trường cho học sinh vui chơi đúng nghĩa (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H

Trước câu chuyện một học sinh THCS tại huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) bị cô giáo phạt 231 cái tát khiến phải nhập viện gây bức xúc trong dư luận, TS. Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng đây là hành vi không những phản giáo dục mà còn vô cùng tàn nhẫn với một học sinh bậc THCS. Hậu quả mà hành vi này để lại sẽ là những sang chấn tâm lý dai dẳng không hề nhỏ không chỉ riêng nạn nhân mà còn tất cả học sinh trong lớp.

Theo TS. Bùi Trân Phượng, cách đây 30 năm, bạo lực học đường đã xảy ra. Nhưng càng ngày, dường như bạo lực học đường càng trở nên nhức nhối. Bên cạnh những tồn tại của giáo dục như bệnh thành tích, môi trường xã hội, người giáo viên chưa có phương pháp sư phạm đúng đắn thì điều cốt lõi không kém phần quan trọng là xã hội dường như đang trở nên quá vô cảm. “Khi hỏi học sinh tiểu học rằng có nên đánh trẻ em không? Câu trả lời của các em là không vì đánh thì trẻ em sẽ đau. Rất đơn giản nhưng lại gây cho chúng ta quá nhiều suy nghĩ. Một điều đơn giản như thế thôi, tại sao giáo dục cứ phải loay hoay giẫm vào”, TS. Bùi Trân Phượng trăn trở.

Ở góc độ nhà quản lý giáo dục, ThS. Trần Phương (Hiệu trưởng Trường TC Việt Giao) cho rằng nguyên nhân của bạo lực học đường trước hết là do người giáo viên chưa được đào tạo về cách ứng xử trước các tình huống sư phạm từ khi còn là sinh viên. Vì vậy, khi đứng trước các tình huống sư phạm, người giáo viên tỏ ra lúng túng và giải quyết một cách cảm tính, phản giáo dục. Bên cạnh đó, người giáo viên chưa chịu thay đổi bản thân, chưa chịu chấp nhận những cái mới, vẫn giữ những hành xử cũ kỹ để áp đặt trong giáo dục hiện đại. Những áp lực từ nhiều phía như xã hội, phụ huynh, học sinh cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến bạo lực trong nhà trường. “Tuy nhiên, đã chấp nhận theo nghề giáo là các thầy cô phải chấp nhận đánh đổi. Phải biết tiết chế cảm xúc cá nhân của bản thân, biết điều nào là đúng và điều nào là không đúng để làm”, ThS. Trần Phương nhấn mạnh.

Là một phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1, chị Hải Yến (doanh nhân) cho hay chị thật sự cảm thấy hoang mang trước những thông tin về bạo lực trong trường học và không biết lựa chọn trường học như thế nào để có thể bảo vệ an toàn nhất cho con mình. “Có thể là giáo viên muốn được thể hiện bản thân, hoặc trước đây họ cũng chính là nạn nhân của bạo lực và giờ “trút” những điều đó lên học sinh. Trường học là nơi trẻ được vui chơi, học hỏi nên chỉ mong sao có được một môi trường giáo dục đúng nghĩa ”, chị Hải Yến bày tỏ.

Để hạn chế bạo lực trong trường học, TS. Bùi Trân Phượng đề xuất chính các trường phải đi tiên phong trong việc xây dựng trường học không bạo lực. Có như vậy giáo dục mới luôn hướng đến tính giáo dục, sự công bằng và lợi ích xã hội. “Chính phụ huynh cũng có thể bảo vệ con bằng giáo dục gia đình lành mạnh để giúp con tránh xa bệnh vô cảm, bệnh thành tích. Để giáo dục gia đình lành mạnh, phụ huynh cũng cần phải thay đổi quan niệm “dạy con ngoan” là như thế nào. Mọi trẻ em đều không có lỗi mà lỗi là do người lớn tạo nên. Phụ huynh hãy cùng giáo viên thay đổi để giúp trẻ thay đổi, tạo ra một môi trường học tập đúng nghĩa nhất”, TS. Bùi Trân Phượng mong muốn.

Quang Long

 

Bình luận (0)