Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Cần ngăn chặn nạn bạo hành HS (ngày 3-12): Hãy biết quản lý cảm xúc

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua hiện tượng giáo viên lạm dụng các biện pháp xử phạt học sinh gây nên sự phẫn nộ trong xã hội và đặc biệt là đối với phụ huynh và những người làm công tác giáo dục.

Quản lý cảm xúc trong dạy học là điều rất cần thiết đối với giáo viên. Trong ảnh: Giáo viên vui vẻ hướng dẫn học sinh đọc sách giáo khoa. Ảnh: N.Trinh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc trên, theo tôi, trong quá trình dạy học giáo viên đã không biết quản lý cảm xúc. Vì thế, để không xảy ra cách hành xử thiếu tính sư phạm thì mỗi giáo viên luôn biết quản lý cảm xúc, tức là luôn làm chủ được kỹ năng quản lý cảm xúc tích cực từ việc nhận diện, quản lý, điều khiển và sử dụng cảm xúc một cách phù hợp.

Nhận diện đúng cảm xúc của học sinh

Nhận diện cảm xúc của học sinh là thông qua các biểu hiện trên khuôn mặt, điệu bộ và sắc thái biểu cảm của cơ thể các em để từ đó có thể phán đoán được các trạng thái cơ bản cảm xúc; phát hiện ra mức độ, cường độ của các cảm xúc đó; gọi được tên các cảm xúc… Đời sống tâm lý của học sinh mà nhất là học sinh THCS có những biến đổi phức tạp, vì vậy cảm xúc của các em cũng luôn biến đổi khó lường, ở độ tuổi không phải trẻ con cũng chưa phải người lớn, tính khí thay đổi thất thường, nông nổi và dễ vi phạm kỷ luật nhà trường. Do vậy, nhận diện được cảm xúc của học sinh cũng như hiểu được các em là việc không dễ dàng. Vì thế, sự nhận diện phải huy động tối đa kiến thức, kinh nghiệm của người dạy cũng như sự mẫn cảm sư phạm để từ đó biết đánh giá đúng vấn đề, đúng chính xác sự việc mà không hành xử một cách hồ đồ thậm chí sai lầm về phương pháp sư phạm.

Kiểm soát cảm xúc của người dạy tốt

Tùy theo các tình huống sư phạm mà có cách quản lý cảm xúc một cách phù hợp nhất. Trong cách xử trí các tình huống, một số giáo viên không biết theo dõi các tình huống nên dẫn đến “giận quá mất khôn” và để lại hậu quả không tốt, phản giáo dục. Vì thế, trong mọi trường hợp giáo viên luôn phải chủ động, tỉnh táo để xử lý tình huống. Điều lưu ý là giáo viên phải luôn giữ được tâm trạng tích cực của mình. Bất luận trong hoàn cảnh nào người thầy cũng không được bộc lộ cảm xúc tiêu cực trên bục giảng, điều đó là phản giáo dục và làm ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên phải biết dùng sự mạnh mẽ của ý chí, của bản lĩnh, niềm tin, hệ thần kinh để từ đó kiềm chế cảm xúc, chẳng hạn như hít thở sâu, tập trung vào công việc, nghĩ đến những điều tốt đẹp…

Điều khiển cảm xúc của bản thân

Ở giai đoạn này, mỗi giáo viên phải luôn biết duy trì trạng thái cảm xúc đó một cách cân bằng, tránh sự thái quá trong thực hiện hành động hoặc những áp lực từ thành tích học tập cũng như thành tích của nhà trường. Giáo viên có kỹ năng điều khiển cảm xúc tốt thì thường luôn biết bình tĩnh trong cách xử trí, biết cân nhắc và thể hiện sự điềm tĩnh để đi đến những quyết định đúng đắn. Người giáo viên có kinh nghiệm và kỹ năng tốt cũng như sự trải nghiệm thì họ thường điều khiển một cách tích cực và ít khi hành xử thiếu chuyên nghiệp. Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay giáo viên phổ thông chịu sức ép từ nhiều phía và cũng khó có thể ứng xử với mọi tình huống nảy sinh, song với tư cách là nhà giáo dục thì phải luôn cố gắng ứng xử sao cho phù hợp nhất.

Sử dụng cảm xúc của bản thân hiệu quả

Người giáo viên biết sử dụng cảm xúc hiệu quả không chỉ dừng lại ở mức nhận dạng, kiểm soát và điều khiển cảm xúc, mà còn biết làm thay đổi cường độ của cảm xúc trong mỗi tình huống. Đặc biệt là biết vận dụng với những hoàn cảnh cụ thể và với từng học sinh.

Có thể nói, quản lý cảm xúc trong dạy học là rất cần thiết đối với giáo viên, trong bất kỳ tình huống nào giáo viên cũng cần có sự nhận diện, kiểm soát, điều chỉnh và sử dụng cảm xúc một cách phù hợp. Dạy học là khoa học và cũng là nghệ thuật, vì vậy những cách ứng xử của giáo viên với học sinh phải thực sự là thể hiện sự khéo léo sư phạm, đồng thời tạo sự đồng thuận trong tập thể học sinh và đạt được hiệu quả trong quá trình dạy học.

ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)