Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sau những màn giành thị phần giao đồ ăn nhanh, khách hàng còn được gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Thương hiệu nào tung chiêu khuyến mãi, có chiến dịch thu hút người dùng, lập tức số lượng khách hàng, đối tác tăng lên. Tuy nhiên, hết đợt quảng bá, lợi ích của người dùng còn được bao nhiêu?

Nhiều ngày gần đây, những quán trà sữa, cà phê trên các con đường Phan Xích Long, Nguyễn Gia Trí (trước đây là đường D2), quận Bình Thạnh, TP.HCM, tràn ngập tài xế xe ôm công nghệ, thay cho hình ảnh khách xếp hàng chờ gọi món như trước đây. Đây là những quán nằm trong chương trình khuyến mãi đặt mua qua ứng dụng Go-Food (của Go-Viet) và Grab Food (của Grab).

Tài xế chờ mua hộ trà sữa cho khách tại một quán trà sữa có tiếng.

Theo đó, Grab Food tung khuyến mãi 0 đồng cho 999 ly trà sữa để cạnh tranh với chương trình khuyến mãi giảm 50%, miễn phí giao hàng trong bán kính 5km của Go-Food.

Chỉ sau hai tháng triển khai, đến tháng 7 năm nay, GrabFood đã mở rộng thị trường lên gấp đôi, có mặt tại 10 quận của TP.HCM. Tháng 12 này, cuộc chiến giành thị phần giao thức ăn nhanh được đẩy cao khi Go-Food chính thức "tham chiến".

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Đức – CEO Go-Viet cho biết, với các hãng gọi xe công nghệ, nguồn tài xế, đối tác lái xe cho dịch giao thức ăn nhanh là lợi thế lớn nhất. Việc hợp tác với đối tác ngành ăn uống trên toàn quốc, từ tiệm ăn bình dân đến chuỗi thức ăn nhanh, các nhà hàng lớn là chiến lược sống còn của các thương hiệu này.

“Chúng tôi sử dụng tài xế có sẵn của dịch vụ Go-bike cho dịch vụ giao đồ ăn, đảm bảo độ phủ sóng trên địa bàn TP.HCM, đồng thời tăng thêm thu nhập cho tài xế, giảm thời gian rảnh rỗi trên đường”, đại diện Go-Viet cho biết.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam nói rằng các nhà hàng, quán ăn… giờ đây không chỉ dựa vào lượng khách hàng trực tiếp đến nhà hàng/quán ăn, mà còn phục vụ lượng khách hàng sử dụng mạng internet và điện thoại di động mua hàng qua tài xế của các hãng xe ôm công nghệ.

Thị trường giao nhận đồ ăn ở Việt Nam lâu nay chủ yếu do các đơn vị lớn nhiều năm trong nghề đảm nhận, như DeliveryNow, Vietnammm, Lala… có mặt khá lâu và chỉ chuyên về giao nhận thức ăn. Thị trường này gần đây đón thêm các tân binh giàu tham vọng, như Lalamove…

Tài xế ngồi chật kín quán để chờ lấy hàng giao cho khách.

Grab và Go-Viet là hai tân binh, có chiến lược xâm nhập thị trường khá rầm rộ và phô trương, chi bạo cho việc chạy đua nâng cấp ứng dụng, quảng bá, lôi kéo khách hàng… Đây cũng là cuộc chạy đua chiếm thị phần, nhận diện thương hiệu của Grab khi đối đầu với Uber trước đó.

Điều này mang lại lợi ích cho các bên. Nhiều ưu đãi, khuyến mãi giúp thu hút được lượng khách hàng, đồng nghĩa thu nhập của tài xế tăng lên. Hai hãng này đưa ra mức thưởng cao để hấp dẫn tài xế và mở rộng mạng lưới đối tác hàng quán – lâu nay do các thương hiệu chuyên giao nhận thức ăn chiếm giữ phần lớn.

Tài xế của Go-Viet được hãng hỗ trợ thu nhập tối thiểu 25.000 đồng cho mỗi đơn hàng, riêng hai khung giờ cao điểm trưa và chiều tối, lên đến 35.000 đồng/đơn. Với tài xế của Grab, ngoài việc chở khách vào những khung giờ cao điểm, họ còn kiếm thêm thu nhập từ lượng đơn hàng giao nhận thức ăn đang tăng vùn vụt.

Phía đối tác kinh doanh của các hãng này thì nhận được đơn hàng tăng đột biến từ khách hàng online, thương hiệu được biết đến nhiều hơn mà không tốn chi phí quảng cáo.

Hơn hết, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến giành thị phần này là khách hàng trẻ, tiếp cận nhanh với công nghệ, nhạy bén trong tiếp nhận sự biến chuyển linh hoạt của thị trường.

Chị Hoàng Giang, nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM, cho biết thời gian gần đây "tín đồ nghiện trà sữa" như chị không phải cất công đi mua, xếp hàng chờ đợi mà chỉ cần đặt hàng trên các ứng dụng giao nhận thức ăn.

“Các thương hiệu giao nhận thức ăn truyền thống cũng thường đưa ra khuyến mãi, hợp tác với các cửa hàng, quán ăn để giảm giá, nhưng khá nhỏ giọt và chỉ giảm chừng 10 – 20%. Còn giờ đây, xuất hiện các đơn vị mới có ưu đãi lên đến 50% trên hóa đơn, thậm chí miễn phí. Sự cạnh tranh của các thương hiệu giúp khách hàng như tôi được lợi ngập tràn”, chị Hoàng Giang nói.

Cuộc chiến này có phần giống với trận chiến “đốt tiền” trước đó của Grab và Uber. Thương hiệu nào tung chiêu khuyến mãi, có chiến dịch thu hút người dùng, lập tức số lượng khách hàng, đối tác tăng lên.

Nhưng liệu lợi ích mà khách hàng đang nhận được có bị chấm dứt trong hụt hẫng khi những chiến dịch phô trương của các đơn vị này kết thúc?

Theo Quốc Thái/PNO

 

Bình luận (0)