Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề minh họa ở hai thái cực

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố bộ đề thi minh họa THPT quốc gia 2019, nhiều giáo viên tỏ ra khá bất ngờ trước mức độ kiến thức có trong đề khi hầu như chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Ở phía học sinh, đa phần cho rằng đề năm nay dễ hơn năm trước, kiến thức ở mức đơn giản, độ phân hóa không quá cao.

Học sinh lớp 12A3 Trường THPT Tenlơman trong giờ học môn địa

Trong khi học sinh “mừng ra mặt” thì giáo viên lại băn khoăn không biết phải ôn tập như thế nào khi đề minh họa có sự không đồng nhất với những thông báo về kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT đưa ra trước đó.

Đề dễ hơn năm trước

Đây là nhận định ban đầu của nhiều giáo viên bộ môn về bộ đề thi minh họa. Theo đó, cấu trúc đề vẫn giữ sự quen thuộc của các năm trước nhưng lượng kiến thức thì “dịch chuyển”. Ngoại trừ môn văn hoàn toàn là kiến thức lớp 12, các môn còn lại đều có chứa một phần nhỏ kiến thức lớp 11. Kiến thức lớp 10 chỉ điểm xuyến ở một vài môn.

“Đề tương đối dễ chịu, kiến thức quá đơn giản, không mang tính đặc trưng, hoàn toàn không có sự phân hóa, rất nhiều câu hỏi mà đọc qua là tìm được ngay câu trả lời. Bên cạnh đó, những câu hỏi đòi hỏi tính tư duy của học sinh lại không nhiều”, thầy Trịnh Công Lên (giáo viên môn GDCD Trường THPT Dương Văn Dương, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết.

Theo thầy Lên, mặc dù trong đề GDCD có đề cập đến nhiều kiến thức thực tế khi đưa ra nhiều tình huống cụ thể về pháp luật và kinh tế, gắn với cuộc sống. Nhưng với các câu hỏi này, học sinh chỉ cần có những hiểu biết và quan tâm nhất định về xã hội là làm được.

Vẫn được coi là bộ môn “khó nhằn” khi ở kỳ thi trước, môn sử đã khiến nhiều học sinh, thậm chí giáo viên phải… toát mồ hôi. Tuy nhiên, ở đề thi minh họa lần này, cô Nguyễn Hoàng Lệ Hằng (Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM) cho rằng kiến thức khá nhẹ nhàng và đơn giản. “Không hề có kiến thức lớp 10, kiến thức lớp 11 chiếm 10%, còn lại là kiến thức lớp 12. Trong đó, các câu hỏi lý thuyết chiếm 50%, các em chỉ cần học thuộc bài là làm được. So với đề thi minh họa năm trước thì đề năm nay độ khó đã giảm đi rất nhiều, không có những câu hỏi đánh đố, ít những câu hỏi mang tính tư duy. Các câu hỏi phân loại cũng rất ít, chỉ chiếm 10%”, cô Hằng nhận định.

Trong khi đó, sinh và địa là hai trong số 9 môn có chứa kiến thức của cả 3 lớp 10, 11, 12. Dù vậy, phần kiến thức nhắc lại này theo đánh giá của giáo viên bộ môn vẫn không làm cho bài thi trở nên “gay cấn”.

“Đề thi môn sinh bao gồm 10% kiến thức lớp 10, 20% kiến thức lớp 11, 70% kiến thức lớp 12. Mức độ phân hóa trong đề tập trung chủ yếu ở 10 câu cuối đề cập đến các kiến thức về di truyền và các quy luật di truyền trong chương trình lớp 12. Với kiến thức nâng cao này, để làm được các em phải học nâng cao, ôn luyện; còn nếu chỉ học trong SGK thì không thể giải được. Bù lại, 10 câu đầu lại cực dễ, mang tính nhận biết, nhìn vào là các em có đáp án ngay”, cô Nguyễn Thị Lâm Khoa (Tổ trưởng Tổ sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết.

Còn ở môn địa, cô Nguyễn Thị Ngọc Ảnh (Tổ trưởng Tổ địa lý Trường THPT Tenlơman, Q.1, TP.HCM) nhận định, thay đổi của đề năm nay là có nhiều kiến thức thực tế, bao gồm cả kiến thức lớp 10 và lớp 11. Tuy nhiên, phần kiến thức nhắc lại này chỉ chiếm một lượng nhỏ, còn lại đa số vẫn là kiến thức lớp 12. Những câu hỏi Atlat trong đề chiếm khoảng 25% và kiến thức được đề cập khá rõ ràng, không thách đố. Chỉ cần học sinh có kỹ năng đọc và nhận xét Atlat là đã “ẵm” được điểm.

Học sinh thở phào

Khi được hỏi về mức độ kiến thức trong bộ đề thi minh họa THPT quốc gia 2019, nhiều học sinh lớp 12 cho biết rất bất ngờ vì đề không quá khó như… tưởng tượng. “Không có nhiều câu hỏi nâng cao, các câu hỏi đánh đố không có, chỉ hỏi trực diện thẳng vào vấn đề. Ngay cả đề toán cũng vắng bóng những câu tư duy cao. Đọc đề xong em bớt lo hơn…”, Nguyễn Thanh Hà (lớp 12A4 Trường THPT Tenlơman) thở phào chia sẻ.

Khối thi được Thanh Hà quan tâm là D1 bao gồm văn, toán, tiếng Anh. Cô bạn hân hoan cho biết so với mức độ đề năm trước thì đề năm nay điểm em làm được “cao hơn rất nhiều” khi mỗi môn có thể đạt được tầm 7 điểm.

Quan tâm đến khối C (văn, sử, địa), Công Hậu (lớp 12A8 Trường THPT Long Trường, Q.9, TP.HCM) nhận định đề mang đúng tính chất xét tốt nghiệp khi kiến thức dành cho đa số đối tượng học sinh trung bình. “Môn sử, địa có kiến thức lớp 11, còn môn văn – môn học em “sợ” nhất – kiến thức lại chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Đặc biệt, các kiến thức không quá cao siêu, xa vời, trái lại rất thực tế”, Công Hậu nói. Dù chưa thử giải đề nhưng Công Hậu tự tin cho rằng với đề này thì có lẽ em sẽ không thể trượt tốt nghiệp.

Không chỉ Thanh Hà, Công Hậu cảm thấy nhẹ nhõm mà đây còn là cảm giác chung của rất nhiều học sinh lớp 12 tại TP.HCM. Bởi đa số học sinh lớp 12 khi được hỏi “đề minh họa dễ hay khó?, câu trả lời là “đề minh họa khá dễ”.

Giáo viên vẫn… hoang mang

Trong khi học sinh có cảm giác hân hoan vì đề dễ thì trái lại, “hoang mang” là tâm trạng chung của nhiều giáo viên bộ môn.

“Dễ dãi quá nên đề minh họa chưa thật sự sát sườn với thông báo trước đó của Bộ GD-ĐT. Điều này khiến giáo viên cảm thấy… hoài nghi như lạc vào ma trận, không biết nên ôn tập như thế nào để phù hợp”, thầy Trịnh Công Lên chia sẻ.

Thậm chí, ở môn văn – môn học duy nhất đề chỉ nhắc đến kiến thức lớp 12 nhưng với cô Nguyễn Thị Phúc (Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), đây vẫn không phải là “đề thi trong mơ”. “Mức độ kiến thức có vẻ hẹp nhưng lại thiên nhiều về vận dụng và tư duy, nhất là ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, tạo ra thách thức lớn cho học sinh”, cô Phúc nói.

“Với câu hỏi “bản thân cần phải thay đổi gì để có thành công” thì lại không có tính thực tế, thậm chí là còn quá sức với học sinh. Bởi lứa tuổi các em, những trải nghiệm thực tiễn chưa đủ để có thể giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, do vậy đặt ra yêu cầu thay đổi là bất hợp lý”, cô Phúc phân tích.

Cũng vậy, cô Phúc cho rằng vấn đề đưa ra trong câu nghị luận văn học không phải khó, kiến thức chỉ nhắc đến chương trình lớp 12. Nhưng chính mức độ kiến thức hẹp lại… gây khó với học sinh. Với đối tượng học sinh giỏi, các em sẽ biết cách để đào sâu, mở rộng ra. Còn học sinh bình thường, đa số các em sẽ không thể làm bài một cách đầy đủ, thậm chí là… không biết viết gì. Nhìn qua thì yêu cầu có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chất đề không phù hợp với đại đa số học sinh. Khối lượng kiến thức trong đề không nhiều, hẹp nhưng lại đòi hỏi độ đào sâu và tư duy của kiến thức, rất khó để các em có được điểm cao.

Bên cạnh đó, chính sự trải dài kiến thức lớp 10, 11 trong đề ở nhiều bộ môn cũng là thách thức lớn cho quá trình ôn tập. “Mặc dù kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 10% trong đề nhưng lại nằm rải rác ở cả hai học kỳ, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, cả lý thuyết và nhận định. Do đó sẽ gây khó trong quá trình ôn tập khi buộc các em phải tóm lược và hiểu lại toàn bộ chương trình lớp 11”, cô Nguyễn Hoàng Lệ Hằng bày tỏ.

Ở môn sinh, theo cô Nguyễn Thị Lâm Khoa, các kiến thức trong chương trình cũ lớp 10, 11 hoàn toàn rời rạc, đơn lẻ, ít liên quan, vận dụng đến chương trình lớp 12. Trong khi kiến thức lớp 12 thuộc phần di truyền và tiến hóa sinh thái thì lại đòi hỏi sự liên thông ở cả 3 lớp. “Với cách ra đề… ít liên quan như thế này sẽ khiến cả thầy và trò rất khó khăn trong quá trình ôn tập. Bởi phải hệ thống lại kiến thức hoàn toàn của cả 3 lớp, sẽ khiến kiến thức bị bão hòa, học sinh quá tải, học không hiệu quả”, cô Khoa băn khoăn.

Đối với môn địa, dù lượng kiến thức lớp 10, 11 chỉ chiếm một phần nhỏ trong đề nhưng theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Ngọc Ảnh, đây chính là phần mang tính phân hóa cao. “Đề mang rất nhiều màu sắc, chứa nhiều lượng kiến thức từ kênh hình, kênh chữ, kiến thức cả 3 lớp, đòi hỏi tính tư duy cao. Kết hợp với thay đổi trong công thức xét tốt nghiệp, nếu học sinh chọn bài thi này mà không chắc kiến thức có khả năng sẽ trượt tốt nghiệp”, cô Ảnh cảnh báo.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)