Từ ngày 23-8 đến ngày 6-9, khoảng 1.100 người cơ nhỡ, lang thang, xin ăn sinh sống nơi công cộng tại TPHCM (với 200 ca mắc Covid-19) đã được đưa về các cơ sở, trung tâm hỗ trợ xã hội. Chăm lo cho người lang thang lúc này là chính sách nhận được đồng thuận sâu sắc của người dân.
Người vô gia cư tại TPHCM được tập trung và tiêm vaccine Covid-19
Không bỏ ai ở lại phía sau
Ông Trần Văn Phước, 65 tuổi, bán vé số hơn 30 năm nay tại quận 4, là một trong những người vô gia cư đầu tiên được cơ quan chức năng đưa về tập trung vào cuối tháng 8. Dịch bệnh bùng phát, nguồn thu nhập ít ỏi biến mất, ông Trần Văn Phước rơi vào bế tắc. “Trong người tôi tới 3, 4 thứ bệnh nền, hở van tim, tiểu đường, huyết áp… Giờ về đây có chỗ ăn ở, lại còn được cho tiêm vaccine Covid-19 nữa”, ông Phước vui vẻ chia sẻ. Cùng chung niềm vui như ông Phước, anh Võ Thanh Phú, người sống nhờ vào lề đường hàng chục năm nay, không giấu được nước mắt khi khoe đã được tiêm vaccine.
Dịch Covid-19 khiến những người mưu sinh tại TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Anh Ngô Ngọc Báu, từ Bình Phước lên TPHCM, trước đây làm bảo vệ cho một quán bar. Quán bar đóng cửa 3 tháng, anh không còn tiền trả nhà trọ, không được trở về quê, chỉ có một lựa chọn – lang thang. Đợt tập trung người lang thang vừa qua của TPHCM đã giúp anh có nơi ở tạm thời mà không còn lo ngay ngáy nữa.
Tính đến ngày 6-9, 1.100 người cơ nhỡ đã được lực lượng công an phường, xã, thị trấn vận động đưa vào nơi tập trung. Trong số này có 200 ca được xác định mắc Covid-19 và 120 ca dương tính với ma túy, được đưa đi điều trị và cai nghiện. Từ tháng 7, Sở LĐTB-XH TPHCM đã lên phương án tập trung người lang thang cơ nhỡ để phòng dịch Covid-19 với dự kiến khoảng 500 người. Đến nay, con số đã cao hơn gấp đôi so với dự kiến và vẫn còn khả năng tăng.
Ngăn nguy cơ lây nhiễm
Đi đầu trong công tác tập trung người lang thang, ngăn nguy cơ lây nhiễm là cơ quan chức năng quận 4. Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến cho biết, ngay trong đợt tập trung đầu tiên vào ngày 23-8, quận đã đưa 114 người lang thang về, trong đó có khoảng 11 ca mắc Covid-19 và đưa đi cách ly điều trị tại cơ sở thu dung của quận. Những ngày sau đó, các ca lang thang chỉ còn rải rác, tiếp tục được đưa về tập trung. Các trường hợp mắc bệnh sẽ được điều trị với chế độ công bằng như mọi F0, kinh phí chăm sóc được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. “Sau khi người lang thang mắc Covid-19 được điều trị khỏi, chúng tôi sẽ chuyển bà con đến các trung tâm xã hội để tiếp tục được chăm lo theo quy định”, ông Chiến cho hay.
Một chuyến tuần tra của ngành chức năng để tuyên truyền, vận động tập trung người lang thang tại quận 4
Là địa bàn giáp ranh với quận 4, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) cũng thường có những người nghiện ma túy, xin ăn, lang thang… Phần lớn, người vô gia cư đeo khẩu trang đối phó. Do vậy, tổ tuần tra phải có trang phục bảo hộ khi làm nhiệm vụ. “Dù nhiều khó khăn về nhân lực, phương tiện, nhưng anh em rất cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, cũng là cách để người vô gia cư, người ăn xin không bị đói, không lây nhiễm bệnh trong mùa dịch”, Thiếu tá Ngô Minh Trung, Phó Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh, chia sẻ.
Theo Thiếu tá Ngô Minh Trung, tổ tuần tra công an phường sẽ thuyết phục trên tinh thần tự nguyện, vận động để đưa người lang thang về điểm tập trung. Sau đó, lực lượng y tế thực hiện test nhanh Covid-19, công an test nhanh ma túy. Từ đó, phân loại thành 4 nhóm. Trường hợp vừa mắc Covid-19 vừa nghiện ma túy, công an phường sẽ đưa đi Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để điều trị. Trường hợp âm tính với Covid-19 sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh, trong 48 giờ sẽ được chuyển về các trung tâm, cơ sở xã hội tương ứng để được chăm lo.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND phường 14 quận 8, chia sẻ thêm, việc chăm lo cho người vô gia cư là mối quan tâm lớn của địa phương. Có những trường hợp dù hộ khẩu tại phường, nhưng thực tế nhà cửa đã bán, sống lang thang, hoặc người vừa hoàn thành chấp hành án trở về, không còn bà con thân thuộc, không nghề nghiệp. “Giữa lúc dịch bệnh này, các cơ sở bảo trợ đưa những bà con lang thang về chăm lo và tiêm phòng vaccine, đây là phương án tốt nhất với bà con”, ông Thuận bày tỏ.
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn, việc tập trung người lang thang sẽ còn tiếp tục được thực hiện sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh. Sở cũng chuẩn bị 2 cơ sở tiếp nhận ban đầu, gồm Cơ sở Tư vấn và cai nghiện Bình Triệu (TP Thủ Đức), Trung tâm Hỗ trợ xã hội (quận Bình Thạnh). Người lang thang, cơ nhỡ rải rác trên địa bàn thành phố, chủ yếu tại một số khu vực như công viên, gầm cầu, nhà chờ xe buýt… hầu hết đều không thực hiện các biện pháp 5K và dễ lây lan trong cộng đồng. Đây cũng là mối lo lắng của thành phố thời gian qua, không chỉ về an toàn phòng bệnh mà còn về chăm lo cho các nhóm lang thang, vô gia cư, ăn xin… trong dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 27-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH xét nghiệm phân loại và đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội, tổ chức quản lý để thực hiện chính sách an sinh và phòng chống dịch Covid-19 với người lang thang, cơ nhỡ.
|
GIAO LINH (theo SGGP)
Bình luận (0)