Sự kiện giáo dục

UBND TP.HCM yêu cầu thu hồi đất công đang để trống hoặc sử dụng không đúng mục đích để ưu tiên xây dựng trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-3, Văn phòng UBND TP.HCM đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại buổi họp nghe báo cáo tình hình triển khai Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19-3.


Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có kết luận việc triển khai đề án xây dựng 4.500 phòng học

Cụ thể, trong kết luận, Chủ tịch Phan Văn Mãi giao Sở GD-ĐT hoàn thiện và trình Kế hoạch triển khai Đề án trước ngày 15-4-2024. Trong đó: nêu cụ thể các thông tin về tiến độ, thời gian hoàn thành của từng dự án và các phương án triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, đồng bộ, tập trung; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, quận, huyện theo chức năng nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của từng đơn vị, địa phương; xác định các vấn đề cần tập trung và kiến nghị, đề xuất đối với các sở, ngành, UBND TP trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Giao Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kịp thời đề xuất các vấn đề liên quan trong triển khai đề án, định kỳ tổ chức làm việc với các sở, ngành, quận, huyện (mỗi tháng/lần) và báo cáo cho thường trực UBND TP về tiến độ (hai tháng/lần) hoặc khi có vấn đề, khó khăn hoặc nội dung đề xuất phát sinh.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan rà soát dự án xây dựng trường học tại các khu dân cư, khu đô thị còn chậm thực hiện hoặc chưa bàn giao dự án để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND TP trước ngày 15-4-2024. Chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện và các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch tổ chức bộ máy, nhân sự tham gia vào các hoạt động của trường học sau khi hoàn tất xây dựng.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có ý kiến cho từng nhóm dự án, từng dự án và các ý kiến chuyên môn bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi triển khai đề án; hướng dẫn, nhắc nhở các đơn vị các nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư khi thực hiện dự án. Chủ trì, hướng dẫn Sở GD-ĐT, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát đăng ký bổ sung danh mục dự án trường học thuận lợi triển khai vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định đề xuất bố trí vốn trên tinh thần ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện Đề án.

Chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư và các cơ quan liên quan có hướng dẫn về phương thức thu hút đầu tư ngoài ngân sách gồm: quy trình, hồ sơ, chính sách…; nếu cần thiết tham mưu tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư. Chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT trên cơ sở đề xuất của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố xây dựng các nội dung tham mưu UBND TP trình HĐND TP về điều chỉnh mức phí vay kích cầu và các chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục.

Chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan rà soát dự án xây dựng trường học tại các khu dân cư, khu đô thị còn chậm thực hiện hoặc chưa bàn giao, tổng hợp, báo cáo UBND TP trước ngày 15-4-2024.

Giao Sở Tài chính tham mưu nội dung cân đối nguồn thu, bố trí vốn và các thủ tục liên quan đến nguồn vốn triển khai Đề án. Chủ trì, phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện, các đơn vị rà soát, xử lý nhanh việc sắp xếp, bố trí tài sản công để ưu tiên các quỹ đất đầu tư xây dựng trường học; Rà soát, xác định các trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa sử dụng hết công năng hoặc chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh để có định hướng tổ chức phân luồng, phân tuyến và tuyển sinh cho phù hợp.

Giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ tích cực tham gia thực hiện Đề án đối với các nội dung về thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, các thủ tục về đất đai, xây dựng, thẩm định…; phối hợp với Sở GD-ĐT tham mưu UBND TP phương án tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư số 13/2020 của Bộ GD-ĐT về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trong quá trình thực hiện Đề án.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với Sở GD-ĐT xác định các công trình trường học thuộc diện bảo tồn kiến trúc, di tích văn hóa, lịch sử có nhu cầu sửa chữa, xây mới để có đề xuất bổ sung vào Kế hoạch triển khai thực hiện đề án…

Giao chủ tịch và thường trực UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện quan tâm, nắm thông tin, xác định khó khăn, vướng mắc của từng dự án trên địa bàn; tập trung, chủ động phối hợp với các cơ quan, giải quyết các vấn đề về thủ tục, hồ sơ dự án, hoàn tất trong năm 2024; theo dõi, đôn đốc, cập nhật thường xuyên tiến độ các dự án thuận lợi hoặc đang triển khai thực hiện; Chuẩn bị tổ chức bộ máy, nhân sự tham gia vào các hoạt động của trường học sau khi hoàn tất xây dựng.

Rà soát tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, trường mầm non, trường phổ thông nhiều cấp học loại hình tư thục trên địa bàn để có hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất để mở rộng quy mô giáo dục.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan rà soát đăng ký bổ sung danh mục dự án trường học thuận lợi triển khai vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chủ động rà soát, đề xuất Ban Chỉ đạo 167 và các cơ quan liên quan phương án xử lý, sắp xếp các vị trí đất công trên địa bàn hiện đang để trống hoặc sử dụng không đúng mục đích cần thực hiện thu hồi để ưu tiên các đầu tư xây dựng trường học. Đề xuất phương án thực hiện với các công trình tại địa phương có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, cải thiện cơ sở vật chất để phục vụ việc mở rộng trường lớp.

Giao Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp xác định các dự án lớn để tập trung quản lý; Đề xuất UBND TP ủy quyền phân cấp cho quận, huyện thực hiện đối với các nội dung, dự án có thể phân cấp; Xác định cách thức triển khai các dự án theo Luật đấu thầu mới để thực hiện đồng bộ, công khai, minh bạch và đúng quy định…

Yến Hoa

Bình luận (0)