Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trường nghề: Mạnh dạn bỏ các ngành nghề lạc hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện rà soát, quy hoạch lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì chỉ có một số trường sắp xếp, bổ sung ngành nghề mới.

Học sinh Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Q.12 học thực hành nghề bảo trì và sửa chữa ô tô

Tại hội nghị các trường CĐ-TC nghề do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, đại diện nhiều trường than phiền hiện có một số ngành nghề không còn thu hút người học như trước, mặc dù trước đây những ngành nghề đó là thế mạnh của trường. Èo uột nhất trong các mùa tuyển sinh gần đây có thể nhắc đến là những ngành kế toán doanh nghiệp, điện dân dụng, điện tử dân dụng, kỹ thuật xây dựng…

Bổ sung đào tạo ngành nghề mới

Phát biểu tại hội nghị, đại diện nhiều trường thẳng thắn đề nghị: “Các trường cần nâng cấp ngành nghề đào tạo theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành hoặc bỏ hẳn ngành nghề cũ, thay ngành nghề mới để thu hút người học”. Trưởng khoa kế toán của một trường TC tại TP.HCM thông tin: Nếu như 10 năm trước, mỗi năm trường tuyển sinh trên dưới 200 học sinh ngành kế toán thì những năm gần đây chỉ có vài em, thậm chí có năm chỉ tuyển được 1 em nên không thể mở lớp.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) cho biết nắm bắt xu hướng của thị trường lao động và nhu cầu của người học, trường đã chủ động mở các ngành nghề mới như cơ điện tử, lập trình máy tính và thương mại điện tử, thu hút khá đông người học. Tương tự, Trường CĐ Kỹ nghệ II cũng tuyển sinh bậc CĐ ngành mới – quản lý dịch vụ logistics trong năm 2018. Đây là ngành đang cần nguồn nhân lực làm việc tại các kho bãi, cảng…, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 30 trường TC-CĐ và ĐH đào tạo ngành này.

Hiện nay, có một ngành nghề khá mới tại Việt Nam được vài trường đào tạo là kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải. Theo dự báo của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 8.000 nhân lực cho ngành này, tuy nhiên hiện các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu. Được biết, Trường CĐ Kỹ nghệ II vừa trao bằng tốt nghiệp cho 21 sinh viên học ngành này. Đây là chương trình thí điểm phối hợp giữa trường với Tổ chức hợp tác phát triển Đức và Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức đào tạo. TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết sau chương trình thí điểm này, trường sẽ tuyển sinh ngành này và đào tạo theo chuẩn năng lực của Đức đón đầu xu thế của thị trường lao động.

Cần nhân lực kỹ thuật viên

Theo thống kê, những ngành nghề như cơ điện tử, robot di động, lắp cáp mạng thông tin… được doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tuyển dụng nhiều ở vị trí kỹ thuật viên trình độ TC và CĐ nghề. Ông Phạm Phú Thọ (chuyên gia quốc tế nghề cơ điện tử) cho biết cơ điện tử đang được nhiều trường bổ sung vào danh mục ngành nghề đào tạo trong khoảng 3 năm trở lại đây và thu hút khá đông người học.

Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2) cho rằng đổi mới, bổ sung ngành nghề đào tạo phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nhiều trường đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh bổ sung ngành nghề đào tạo mới còn phải chú ý các mô đun thực hành có sự tham gia xây dựng chương trình của doanh nghiệp. “Cũng ngành nghề đó nhưng hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo sẽ nâng cao chất lượng. Đây là cơ hội tốt để sinh viên được thực hành, làm việc tại doanh nghiệp, tích lũy kiến thức và kỹ năng trước khi tham gia chính thức vào thị trường lao động”, ông Cường nói.

Không thể “có cái gì đào tạo cái đó”

TS. Huỳnh Thanh Điền (thành viên Đề án công nghiệp hỗ trợ TP.HCM) đánh giá: Qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực tế có nơi trang thiết bị thực hành của một số ngành nghề quá lạc hậu, nơi thì đầu tư trang thiết bị chưa hoàn chỉnh, hoặc “trùm mền” vì không có người học. Để đầu tư đào tạo một ngành nghề đơn giản như cắt gọt kim loại CNC cũng phải mất vài tỷ đồng, nếu theo kịp doanh nghiệp thì gấp vài lần con số này. Đây cũng là lý do khiến các trường ngại đầu tư mở ngành nghề mới cũng như nâng cấp ngành nghề cũ và sẽ càng khó khăn hơn đối với các trường tuyển sinh kém.

Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng một số trường chưa thật sự sẵn sàng đổi mới ngành nghề đào tạo vì đã quen kiểu “có gì đào tạo nấy”, trong khi nhân lực ngành nghề đó đang bão hòa, không có người học. “Trường phải đào tạo cái doanh nghiệp và người học cần chứ không thể đào tạo cái trường có”, ông Lâm khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng yêu cầu các trường TC-CĐ nghề sớm hoàn tất việc rà soát các ngành nghề, mạnh dạn bỏ các ngành nghề cũ, lạc hậu và chú trọng đầu tư ngành nghề mới. Các trường mua sắm trang thiết bị đào tạo phải đảm bảo sử dụng được trong một thời gian dài, không phải đầu tư nhiều lần tốn kém. “Tuy nhiên, các trường trên địa bàn TP cũng phải ngồi lại bàn bạc, hạn chế mở ngành nghề trùng lắp gây lãng phí. Đồng thời làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực và xu hướng thị trường lao động, tránh đào tạo ồ ạt để rồi ra trường không có việc làm như lâu nay ở một số ngành nghề”, ông Lâm khuyến cáo.

T.Anh

Bình luận (0)