Nghề tiếp viên không phải con đường trải hoa hồng, những người trong ngành phải đối mặt với nhiều điều tiêu cực, trong đó có nạn quấy rối tình dục.
Những tiếp viên hàng không tại Hong Kong đang đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục. Mới đây một số người tiết lộ trên AFP rằng họ không chỉ bị khách quấy rối mà những đồng nghiệp khác cũng có hành động khiếm nhã. Dù hãng bay đã vào cuộc, các tiếp viên cho rằng nhà quản lý chưa thực sự dấn thân vào phong trào #MeToo.
Venus Fung, người lãnh đạo Công đoàn Tiếp viên Hong Kong, cho rằng các hãng hàng không cần hướng dẫn nhân viên cách đối mặt với nạn quấy rối. Fung, 29 tuổi, cho biết vấn đề đó không bao giờ xuất hiện trong chương trình huấn luyện.
Tiếp viên Hong Kong này tiết lộ mình từng bị một phi công động chạm vào những phần nhạy cảm, khen cô có thân hình đẹp khi cô mới vào nghề hơn hai năm trước.
"Vào khoảnh khắc ấy, tôi thực sự tức giận, nhưng phần lớn là cảm giác hoảng loạn và sợ hãi. Đầu óc hoàn toàn tức giận – tôi không biết phải làm gì hay phản ứng như thế nào", Fung nói.
Venus Fung hiện làm cho một hãng hàng không châu Âu, cô không muốn tiết lộ chi tiết vì e ngại bị khiển trách. Ảnh: AFP.
Tiếp viên trưởng chứng kiến tất cả cũng không hề can thiệp giúp Fung, thay vào đó người này đe dọa báo cáo rằng cô mặc váy "quá chật". Trong hơn một năm sau đó, Fung chỉ mặc quần dài đi làm.
Từ đó, Fung vẫn chia sẻ với đồng nghiệp cách tố cáo khi bị quấy rối tình dục và tìm kiếm trợ giúp, nhưng cô cho rằng về lâu dài, ngành hàng không cần thay đổi văn hóa làm việc.
"Khi một tiếp viên xuất hiện, cô ấy trông thật xinh đẹp trong bộ đồng phục, giày cao gót và lớp trang điểm phù hợp. Có nhiều ảo tưởng khó xóa bỏ trong quan niệm thông thường về ngành công nghiệp này, nhưng đó không phải thứ để bào chữa cho những hành vi xấu xa", Fung bày tỏ.
Cô kêu gọi thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng: "Giáo dục là chìa khóa để thay đổi thái độ của mọi người. Đó là chuyện khó có thể hoàn thành trong một đêm, nó cần nhiều thời gian, nhưng không có nghĩa là chúng ta không nên làm".
Hãng hàng không Fung làm việc chưa phản hồi yêu cầu phỏng vấn của AFP.
Bất bình đẳng
Câu chuyện của những tiếp viên như Fung dấy lên yêu cầu ngành hàng không trên toàn thế giới cần thay đổi.
Một số tiếp viên tại Hong Kong trả lời AFP rằng vẻ hào nhoáng của nghề nghiệp này thu hút nhiều cô gái ứng tuyển. Rất nhiều video nổi tiếng trên YouTube là do các tiếp viên hàng không Emirates tại Dubai đăng tải, họ hướng dẫn cách trang điểm để vẻ ngoài luôn xinh đẹp trên mọi chuyến bay.
Theo sách huấn luyện của Cathay Pacific, tiếp viên phải trang điểm với tông màu phấn mắt, son môi và sơn móng theo quy chuẩn và kiểm tra định kỳ. Trong khi đó, nam tiếp viên cũng phải chăm sóc vẻ ngoài cẩn thận – cấm trang điểm nhưng luôn phải giữ làn da sáng sạch.
Phi hành đoàn hãng bay Hong Kong này cho hay, họ sẽ cố gắng kiến nghị để quy định đánh sơn móng tay không bắt buộc với tiếp viên. Trước đó, hãng đã giới thiệu mẫu quần đồng phục cho các nữ tiếp viên từ tháng 3 năm nay, chấm dứt quy định bắt buộc mặc váy có hiệu lực trong suốt 70 năm.
Dora Lai, tiếp viên trưởng Đoàn tiếp viên Cathay Pacific, nhận định những thay đổi này hướng đến bình đẳng giới, song cũng âm thầm tác động đến công cuộc chống quấy rối tình dục. "Chúng tôi có mặt trên máy bay để cung cấp dịch vụ và đưa hành khách từ A đến B một cách an toàn".
Dora Lai nhận định nhiều quảng cáo hàng không chỉ đưa những phụ nữ xinh đẹp lên sóng, thay vì tập trung quảng bá kỹ năng nghiệp vụ của tiếp viên. Ảnh: AFP.
Không khoan nhượng
Dù hãng Cathay đã lập một khóa học online với phần đề cập đến nạn quấy rối tình dục cho tiếp viên tại Hong Kong vào tháng 3, công đoàn cho rằng nhiều tiếp viên trưởng vẫn không tin tưởng các báo cáo về quấy rối.
Một tiếp viên ẩn danh của hãng nói với AFP rằng quản lý ngần ngại nhắc nhở một hành khách vỗ vào đầu và lưng cô liên tục – hành động cô cho là "xúc phạm". "Tôi thấy vừa buồn vừa tức giận. Sau khi tôi báo tin, tiếp viên trưởng vẫn không hề thông cảm", cô nói.
Hãng bay trên khẳng định đã có chương trình huấn luyện về cách phòng chống phân biệt đối xử và quấy rối tình dục trong môi trường làm việc.
Tuy nhiên, Michelle Choi, một tiếp viên tại Hong Kong, cho rằng các hãng cần hành động nhiều hơn để hỗ trợ nhân viên ra quyết định lập tức trong các tình huống bị quấy rối – từ cảnh cáo và yêu cầu hành khách xin lỗi, cho đến báo cảnh sát nếu cần thiết.
"Chúng tôi muốn các tiếp viên biết họ có thể làm gì, thay vì cảm thấy xấu hổ nếu phải lên tiếng tố cáo, và nhún nhường trước những hành động sai trái", cô Choi bày tỏ.
Tiểu Bảo/Vnexpress
Bình luận (0)