Từ ngày 1.1.2019, Bộ Công thương sẽ trực tiếp quản lý về an toàn thực phẩm 8 sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, dầu thực vật, sữa, bánh kẹo, bột và tinh bột.
Từ đầu năm 2019, Bộ Công thương sẽ trực tiếp quản lý an toàn thực phẩm với những doanh nghiệp sản xuất có công suất lớn. Ảnh: Ng.Ng
Đó là nội dung chính trong Thông tư 43/2018 về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) quy định về quản lý ATTP thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương vừa ban hành.
Bộ Công thương trực tiếp quản lý các thực phẩm công nghiệp
Theo đó, có 4 nội dung thuộc quản lý của Bộ này. Đó là cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Kiểm tra nhà nước về ATTP với thực phẩm nhập khẩu' Chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở kiệm nghiệm kiểm chứng; Thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ chỉ quản lý, cấp giấy theo ngành và công suất sản xuất thực phẩm, tập trung vào các nhóm thực phẩm chính và có sản lượng lớn.
Cụ thể, Bộ Công thương sẽ cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế đối với rượu từ 3 triệu lít sản phẩm/năm trở lên, bia từ 50 triệu lít sản phẩm/năm trở lên, nước giải khát từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên, sữa chế biến từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên, đối với dầu thực vật từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên, bánh kẹo từ 20.000 tấn sản phẩm/năm trở lên, bột và tinh bột từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên…
Nhà máy bia có trên 50 triệu lít sản phẩm mỗi năm sẽ do Bộ Công thương quản lý. Ảnh: Ng.Ng
Như vậy, giấy phép cho các cơ sở sản xuất có công suất thấp hơn công suất quy định nói trên, sẽ thuộc sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận hoặc đề xuất UBND tỉnh, thành phố thuộc trung ương phân công, phân cấp theo quy định. Giấy chứng nhận thuộc Bộ cấp sẽ có hiệu lực 3 năm.
Chấm dứt tình trạng 1 hộp sữa có 3 bộ quản
Trước đây, quản lý ATTP luôn bị các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm phàn nàn quá chồng chéo, một hộp sữa, một chai bia… đều do 3 bộ quản lý. Thế nên, khi cần quy trách nhiệm, không đơn vị nào chịu trách nhiệm hoàn toàn. Chẳng hạn, hộp sữa ngay nguyên liệu sữa tươi đầu vào thuộc Bộ NN-PTNT quản lý, đưa vào đóng hộp là ngành công nghiệp thuộc Bộ Công thương quản lý, nếu trong hộp sữa nhà sản xuất muốn đưa thêm một số vitamin bổ sung như sắt, canxi… sẽ do Bộ Y tế quản lý.
Từ sau khi có Nghị định 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, việc phân trách nhiệm quản lý của 3 Bộ nói trên rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp thực phẩm với cụ thể 8 nhóm hàng nói trên với công suất lớn sẽ do Bộ Công thương quản lý theo quy định tại Thông tư 43 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 và bãi bỏ Thông tư 58/2014, một số chương trong Thông tư 40/2013 về quản lý ATTP cũng do Bộ này quản lý). Các sản phẩm tươi như thịt, rau củ quả sẽ do Bộ NN-PTNT quản lý về ATTP và các thực phẩm còn lại, chủ yếu liên quan sức khỏe người tiêu dùng sẽ do Bộ Y tế quản lý. Chuyên gia thực phẩm Đỗ Thị Lan Nhi, Đại học Công nghiệp TP.HCM nhật xét, việc quy định rõ ràng mặt hàng nào, công suất bao nhiêu về một đơn vị quản lý là rất quan trọng. Điều này sẽ chấm dứt hoặc chí ít cũng hạn chế tình trạng một hộp sữa có đến 3 bộ quản lý như trước đây.
Về xử lý khi vi phạm, theo Thông tư 43, việc thu hồi thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn thực hiện theo hai hình thức: thu hồi tự nguyện hoặc bắt buộc theo luật ATTP và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 115 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.
Sữa chế biến dưới 20 triệu lít sản phẩm mỗi năm lại thuộc các sở công thương, UBND tỉnh thành phố quản lý ATTP. Ảnh: Ng.Ng
Với sản phẩm sau thu hồi, cũng theo quy định của Thông tư 43 có 4 hình thức: khắc phục lỗi ghi nhãn sẽ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm. Thứ hai là chuyển mục đích sử dụng được áp dụng với trường hợp sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác. Thứ ba là tái xuất với trường hợp sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Và cuối cùng là tiêu hủy nếu sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất theo quy định.
Ngoài ra, việc xử lý cũng có thể căn cứ các quy định chuyên ngành khác và theo hình thức, tính chất, mức độ của vi phạm của cơ sở.
Theo Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)