Gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ giáo viên tiểu học lạm dụng các biện pháp xử phạt học sinh gây “bão” trong dư luận. Nhân những vụ việc này có lẽ cũng nên bàn về vấn đề phạt học sinh thế nào mới đúng!
Theo tác giả, sẽ hay hơn nhiều nếu giáo viên không cần phạt mà vẫn làm cho học sinh ngoan hơn. Trong ảnh: Giáo viên kiểm tra tập học sinh trước khi dạy bài mới. Ảnh: T.L
Phạt là điều đương nhiên?
Thế hệ những người tầm 40 tuổi trở lên hầu hết thừa nhận khi đi học từng bị phạt, như khẻ tay, nằm trên bàn để bị đánh vào mông, quỳ gối, thụt dầu… Khi đó chưa ai đặt ra vấn đề “làm nhục học sinh”, dù rõ ràng việc phạt này có khi mang tính làm nhục, làm cho học sinh xấu hổ mà sửa đổi, nhưng phần đông người được hỏi đều cho rằng chính vì bị phạt mà tiến bộ hơn. Hay xa hơn, nhiều người đọc “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” sẽ nhớ chuyện ông bị thầy giáo quở là “trò Lê đi lùi”, thành ra một sự trừng phạt lớn lao, bởi khiến chúng bạn chế nhạo, nhờ đó mà ông học hành chăm chỉ hơn, vượt qua được những ngày tháng rong chơi sau khi mất cha, để trở thành một học giả đáng kính như chúng ta đã biết.
Trong môi trường giáo dục, nhiều người vẫn cho rằng, nên kết hợp thưởng với phạt. Thưởng là sự biểu dương những học sinh có thành tích học tập tốt, có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động của trường, của lớp, hoặc có những thành tích khác (thể thao, văn nghệ, đoàn thể…). Phạt là sự răn đe, cảnh báo (nhưng không nên xem là sự trừng phạt) đối với những cá nhân có hành vi không đúng mực, có thể là sự phê bình, cảnh cáo, chép phạt, làm bản kiểm điểm, ghi sổ đầu bài, hạ hạnh kiểm…, thậm chí đánh đòn, đuổi học. Thưởng thì đương nhiên phải có, bởi sự khích lệ lúc nào cũng cần thiết. Nhưng phạt có đương nhiên hay không thì còn tùy quan điểm mỗi người, dù trên thực tế gần như ở trường nào cũng có phạt, giáo viên nào cũng từng phạt học sinh của mình.
Nhìn ở một góc độ nào đó, phạt là cần thiết, để chấn chỉnh, để răn đe chung chứ không chỉ với cá nhân học sinh bị phạt. Nhưng sẽ hay hơn nhiều nếu giáo viên không cần phạt mà vẫn làm cho học sinh ngoan hơn! Đó mới thực sự là giáo dục mang tính nhân bản!
Phạt thế nào là đúng?
Trong trường hợp không thể tránh được việc phạt thì phải chú ý phạt cho đúng, biểu hiện ở những điểm sau đây:
Thứ nhất, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm. Không thể phạt người này vì lỗi của người khác, hoặc phạt cùng một lỗi nhưng với những người khác nhau thì mức phạt khác nhau, hoặc lỗi lúc này nhưng phạt lúc khác. Thứ hai, phạt chứ không làm nhục hoặc gây tổn hại đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe học sinh. Phải làm cho học sinh thấy rõ cái lỗi của mình và cảm thấy rằng việc bị phạt là đương nhiên, nhằm “nhớ đời” mà không tái phạm. Do đó, không được có các hình phạt mang tính bạo lực, xúc phạm. Thứ ba, giáo viên phạt chứ không trả đũa, phạt khi đã bình tĩnh nghĩ đến tất cả các giải pháp. Phạt là để giáo dục học sinh nên không được dùng biện pháp phạt để trả đũa hành vi của học sinh đối với bản thân, không được phạt khi tức giận, càng không được phạt để loại học sinh đó ra khỏi lớp, khỏi trường, để hậu quả việc bỏ học đó thuộc ai thì mặc. Thứ tư, phạt hướng đến sự tiến bộ của học sinh. Phạt không phải trừng phạt (như cách mà pháp luật trừng phạt người phạm tội) mà phải luôn hướng đến sự tiến bộ, sự phục thiện của học sinh. Do đó, nếu sau một số lần phạt mà học sinh không tiến bộ thì hoặc là biện pháp phạt không cần thiết hoặc nó không phù hợp, khi đó tốt hơn hết là không phạt hoặc đổi cách phạt khác!
Phạt phải là một biện pháp giáo dục
Có lẽ mỗi giáo viên nên xem phạt là một việc chẳng đặng đừng, sau khi không còn biện pháp xử lý nào khác. Bởi trong một số trường hợp, giáo viên đã vội vàng phạt trong khi có những cách giải quyết khác hiệu quả hơn nhiều. Thí dụ: một học sinh tiểu học trong giờ học tin học hay nghịch, chọc ghẹo bạn, không tập trung nghe giảng. Thay vì phạt, giáo viên “mời” em ngồi gần bàn của mình, rồi thường hỏi em những câu đơn giản để em trả lời đúng, từ đó kích thích sự tự tin, hăng hái; khi thực hành, cô giáo hay mời em lên trước lớp thao tác cho các bạn; cô giáo hay khen em dù em trả lời sai, nhưng sau đó thì uốn nắn lại. Nhờ vậy, trong giờ học của cô, em này chăm chỉ và siêng năng hẳn, không còn nghịch phá nữa. Giả sử cô giáo đó phạt bằng nhiều cách thì có khi buộc em ấy ngồi yên chứ chẳng hứng thú học, chẳng thấy môn học là cần thiết, chẳng làm em thể hiện được một học sinh tích cực… Hoặc, nếu phạt một học sinh không thuộc bài thì liệu có thể cho em thực hiện một bài kiểm tra bất kỳ nào đó để lấy điểm kiểm tra miệng và có thể cho điểm trừ. Bởi với một số người, năng lực thuộc lòng có hạn mà bắt phải thuộc lòng thì không hợp lý, mà đem điều mang tính sinh lý đó để phạt em hẳn chưa hay!
Dẫu vậy, khi đã phạt thì nên quan tâm nguyên tắc “khen chung, phạt riêng”, tức là khen thì thể hiện trước nhiều người, nhưng phạt thì nên hạn chế người biết để tránh làm học sinh bị tổn thương. Dù phạt học sinh này để răn học sinh kia nhưng không nhất thiết phạt ai thì phải làm cho nhiều người biết, mà chỉ cần cho các học sinh khác biết là hành vi đó thì sẽ bị phạt tương ứng, còn người nào thì nên cân nhắc công bố. Trong một số trường hợp, việc phạt cũng nên kết hợp với gia đình; chẳng hạn học sinh hay vô lớp trễ có khi do nhà em xa, cha mẹ đưa muộn, mà cứ phạt học sinh là không thỏa đáng, nên cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và phối hợp với gia đình để có biện pháp khắc phục…
Trúc Giang
Bình luận (0)