Qua hơn 1 năm áp dụng mô hình 6T (Trí tuệ – Tận tâm – Thân thiện) vào dạy học, thầy trò Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã tạo được môi trường học tập tích cực từ kỹ năng ứng xử, giao tiếp, sống có trách nhiệm.
Giờ hoạt động ngoại khóa lồng ghép mô hình 6T của Trường Tiểu học Núi Thành
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết mục đích của mô hình này là nhằm giúp giáo viên (GV) rèn luyện đạo đức, nhân cách; tự chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công việc; thân thiện, thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng với học sinh (HS). Theo cô Nguyệt, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường không phải chỉ bằng những lời rao giảng hay quy định được viết trên các tấm bảng mà việc giáo dục HS thật thà, trung thực phải xuất phát từ những việc làm, hành động cụ thể. Muốn làm được điều đó, trước hết GV phải nêu gương, như đi qua cổng trường thì tắt máy, dắt xe đi bộ… Từ những việc làm đó sẽ lan tỏa đến phụ huynh và HS, tạo ra môi trường thân thiện. Bên cạnh đó, muốn HS vâng lời, chăm ngoan thì GV, nhất là GV chủ nhiệm phải thực sự công tâm, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ cùng các em, nhất là với những em cá biệt. Ngoài ra, GV phải linh hoạt, biến tiết sinh hoạt lớp thành thời gian để sẻ chia, tháo gỡ vướng mắc thay vì xem đó là giờ để dành khiển trách HS. “Chúng tôi tâm niệm việc giáo dục đạo đức, kỹ năng cho HS ngang bằng với giáo dục văn hóa. Điều đó không gói gọn trong tiết học đạo đức mà thông qua những câu chuyện, cách ứng xử giữa GV và HS, GV với phụ huynh, lồng ghép trong các giờ học ngoại khóa… để nêu gương. Thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức cho HS thông qua hình thức này thì tỷ lệ HS ngoan sẽ cao hơn”, cô Nguyệt chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Sinh (GV trong trường) cho biết khi thực hiện mô hình 6T, bản thân cô cũng như các đồng nghiệp luôn thấy mình có trách nhiệm hơn với HS, không chỉ gần gũi, tận tâm mà còn phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Cô Sinh cũng cho rằng cách ứng xử 6T mang lại nhiều hiệu quả tích cực từ phía HS. Các em không chỉ chăm ngoan, nghe lời GV hơn mà còn có thêm động lực học tốt cũng như hòa đồng trong môi trường tập thể.
Chuẩn mực nào cho sự tận tâm và thân thiện của GV? Câu hỏi đầy trăn trở ấy không ít lần được nêu ra trong quá trình thực hiện mô hình 6T. Rồi mỗi GV tự tìm ra cách trả lời khi chính bản thân họ thay đổi. Sự tận tâm ấy không chỉ thể hiện khi GV thường xuyên bám lớp mà đó còn là sự sẻ chia, theo dõi, động viên kịp thời bằng phương pháp phù hợp để HS tiến bộ. “Cái tâm của người thầy chính là thước đo!”, cô Nguyệt nói. Khi đưa ra các phương pháp giáo dục bằng cái tâm thì kết quả giáo dục sẽ tốt hơn gấp nhiều lần. Không chỉ đồng hành cùng HS mà GV còn chia sẻ với phụ huynh về các vấn đề ứng xử với con em mình. Như vậy sự tận tâm được thể hiện tận gốc.
Qua một thời gian triển khai, mô hình 6T đã bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực. Cô Nguyệt cho rằng đây là một trong những hoạt động để nhà trường hướng đến một ngôi trường thân thiện, HS tích cực, phụ huynh vui vẻ. Nhờ đó chất lượng giáo dục của trường đạt hiệu quả đáng ghi nhận, được ngành giáo dục quận đánh giá tốt.
Hàn Giang
Bình luận (0)