Khoảng 50 năm trước, việc học toán chưa gắn được với nhiều công việc, sinh viên ra trường chủ yếu đi dạy, nhưng hiện nay thời cuộc đã thay đổi, người học toán có nhiều cơ hội việc làm hơn. Đối với tinh thần đổi mới sáng tạo, những người có nền tảng toán tốt cũng có những đề xuất tốt hơn, khả năng thành công cao hơn.
GS. Hồ Tú Bảo (bìa phải) trao đổi tại “Ngày hội toán học mở”
GS. Hồ Tú Bảo (Giám đốc Phòng thí nghiệm về khoa học dữ liệu – Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) nhận định điều này trong “Ngày hội toán học mở” diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn mới đây.
Nhiều tiềm năng
Theo GS. Bảo, người thích học toán có nhiều lợi thế hơn người không thích học môn này. Riêng về vấn đề việc làm, người thích học toán và biết dùng toán bây giờ có nhiều cơ hội việc làm hơn. “Chúng ta đang sống trong thời đại số, khái niệm trí tuệ nhân tạo hiện được nhìn rộng hơn. Khác với ngày xưa, thời nay vừa biết toán vừa biết công nghệ thông tin (thuộc ngành phân tích dữ liệu) có lượng công việc rất lớn, là công việc tiềm năng trong tương lai. Tôi nghĩ người học cũng không nhất thiết phải quá giỏi toán, chỉ cần biết dùng toán, hiểu các khái niệm của toán. Hiện nay có khá nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng, tôi nghĩ là số đông sẽ dùng và hiểu được hết”, GS. Bảo nhận định.
GS. Bảo cũng cho rằng chúng ta đang ở trong thời số hóa, mọi thứ sau khi được số hóa dễ dàng kết nối với nhau. Nôm na là những gì xảy ra trên mặt đất ngày nay đều có thể tính toán trên không gian số, dẫn đến thay đổi sâu sắc về phương thức sản xuất trong thập kỷ tới đây. Do vậy, vai trò của toán học ngày càng nhiều hơn bao giờ hết.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) cũng nhìn nhận với những người thực sự học toán giỏi, cơ hội việc làm rất cao và nhiều. Muốn học để đối diện với những thay đổi của công nghệ, cần phải học những thứ rất cơ bản, mà toán chính là nền tảng cơ bản. Trừ trường hợp chúng ta biến toán thành những… mẹo mực, lúc đó không còn là toán học nữa. Người giỏi toán phải nắm được bản chất, khi có thay đổi gì cũng thích ứng được.
Dạy dùng toán thay vì… làm toán
Theo GS.TSKH Hà Huy Khoái, việc học toán phải xuất phát từ nhu cầu của con người để tìm hiểu thế giới. Bởi toán học đưa người ta đến tận cùng của sự đơn giản, đưa đến hạnh phúc. Giỏi toán đồng nghĩa phải hiểu được bản chất của toán. Những người thực sự giỏi toán sẽ không dở những môn khác. Những người mà chỉ giỏi giải bài tập trong khi văn học kém, cả đời không thích lịch sử… rất khó tin là họ giỏi toán. Bởi vì kiến thức nhân loại chỉ là một, là đồng nhất. Thế giới không chia ra phần nào toán, phần nào văn, sử, lý… cả. Chỉ vì con người không đủ sức nhận thức “trọn” thế giới nên mới phải chia ra, mỗi người nhận thức một chút. Song đến nay, những nhận thức đó đã sâu sắc đến mức có thể quay trở về cùng một lúc, một người có thể nhận thức thế giới một cách đầy đủ, cho nên một người có thể giỏi nhiều môn cũng là điều không quá khó.
GS. Khoái thừa nhận chương trình toán phổ thông của chúng ta còn nặng về… mẹo mực bài tập, các thầy ra mẹo rất hay và tâm đắc với chuyện đó thay vì chú trọng dạy học sinh về bản chất. “Vì thế, chương trình bây giờ sẽ cố gắng viết sách giáo khoa sao cho học sinh nhìn thấy khái niệm đưa từ thực tiễn lên và các em nhận thức một cách hiển nhiên, nhiều cái không cần chứng minh. Tôi hy vọng bộ sách mới sẽ viết theo hướng đó, giúp học sinh tiếp cận dễ dàng hơn và ham thích toán hơn”, GS. Khoái bày tỏ.
GS. Hồ Tú Bảo cũng cho rằng cái đích của chúng ta là số đông dùng được toán. Dạy toán hiện nay thiên về tính toán, giải toán rất nhiều nhưng chưa hiểu nghĩa của toán học trong khi mọi công thức toán học đều có ý nghĩa. “Tôi nghĩ chương trình giáo dục phổ thông đổi mới đang biên soạn sẽ hướng đến việc dạy toán đơn giản, dành nhiều thời lượng gắn với những câu chuyện thực tế. Điều này là rất quan trọng để người học dù có năng khiếu về toán hay không cũng không thấy… sợ toán. Tôi cho rằng với sự thay đổi của thời cuộc và toán học bây giờ rất cần, chúng ta phải thay đổi cách dạy toán”, GS. Bảo nhấn mạnh.
Mê Tâm
Bình luận (0)