Bộ GD-ĐT vừa công bố bộ đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo đó, đề thi lần này theo hướng giảm độ khó, bám sát chương trình lớp 12 để hướng đến mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp. Trong các môn thi, môn văn ít có sự thay đổi nhất, phần đọc hiểu văn bản cơ bản sẽ như các kỳ thi trước.
Học sinh lớp 12 trong tiết học môn văn. Ảnh: V.Yên
Nhằm giúp học sinh có cách ôn tập hiệu quả, chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm làm bài nhằm chinh phục giám khảo ở câu đọc hiểu văn bản.
Câu hỏi đọc hiểu có những yêu cầu nào?
Theo ma trận đề thi, phần đọc hiểu sẽ cho 1 văn bản và 4 câu hỏi theo các mức lượng giá: nhận biết, nhận biết/thông hiểu, thông hiểu và vận dụng (thấp). Thang điểm tương ứng thường là: 0,5 – 0,5 – 1 – 1 điểm. Ở câu hỏi nhận biết, đề thường hỏi: Tìm/chỉ ra/xác định văn bản sử dụng phương thức biểu đạt; phong cách ngôn ngữ; phép liên kết; cách trình bày (diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng – phân – hợp…); phép tu từ; đề tài; thể thơ… Ở câu hỏi nhận biết/thông hiểu, đề thường yêu cầu: Xác định chủ đề/câu chủ đề; đặt nhan đề; theo tác giả “…” là gì; chỉ ra từ ngữ, hình ảnh “…” trong văn bản; xác định vấn đề chính của văn bản; để làm rõ “…”, tác giả đã dùng “…” gì… Ở câu hỏi thông hiểu, đề thường cho là: Anh/chị hiểu thế nào về câu/từ ngữ/hình ảnh/khái niệm… trong văn bản; theo anh/chị vì sao tác giả cho rằng “…”; cho biết tác dụng của phép tu từ… Ở câu vận dụng (thấp), có các dạng: Yêu cầu rút ra ý nghĩa/bài học từ văn bản; yêu cầu đưa ra các giải pháp hoặc liên hệ thực tiễn; bày tỏ tình huống lựa chọn; bày tỏ suy nghĩ/cảm nhận về câu văn/câu thơ trích từ văn bản; anh/chị có đồng ý hay không, vì sao; hoặc viết một đoạn văn theo một yêu cầu về hình thức và giới hạn nhất định…
Cách đọc và phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý?
Nên đọc kỹ văn bản theo trình tự lần lượt sau: Lượt 1, đọc hết văn bản và các câu hỏi. Sau đó đọc lại lượt 2 trên cơ sở hướng đến việc trả lời các câu hỏi. Có thể lấy bút đánh dấu câu trả lời vào đề, hoặc ghi ra giấy nháp trước khi chính thức trả lời vào giấy làm bài. Chú ý đến các thông tin liên quan đến văn bản như nhan đề, nguồn trích dẫn, tác giả… (thường nằm cuối văn bản). Nhiều khi đây chính là cơ sở mà dựa vào đó cho ta đáp án. Chú ý đến số câu hỏi, các vế trong từng câu hỏi. Các câu hỏi thường sắp xếp từ dễ đến khó, vì vậy phải chú ý sự hài hòa về yêu cầu kiến thức đọc hiểu, sự tương quan hợp lý giữa chúng. Để cần thiết có thể sử dụng phương pháp loại suy. Có hai loại văn bản thường cho ở đề là văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi) và văn bản thông tin (báo chí, chính luận…). Tương tự với đó cũng sẽ có những câu hỏi liên quan đến đặc trưng của hai loại văn bản này. Với thời gian làm bài 120 phút, câu đọc hiểu văn bản có thang điểm là 3/10 điểm, nên chỉ dành khoảng 20 phút cho câu hỏi này. (Câu viết đoạn văn 200 chữ dành khoảng 30 phút, còn lại là thời gian cho câu nghị luận văn học và kiểm tra lại bài làm). Những câu hỏi khó, chưa trả lời được nên tạm dừng lại, để làm sau. Nếu không sẽ chiếm hết thời gian làm bài.
“Mẹo” nào để “ăn” điểm?
Không trả lời dài dòng, vòng vo. Phải trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi, đúng vào các “từ khóa” của đáp án chấm. Câu hỏi có một ý trả lời (thường là câu 1, câu 2), nếu có các từ “chính/chủ yếu” thì phải trả lời 1 phương án. Các câu hỏi xác định (như phép tu từ) phải có hai bước, gồm gọi tên (phép gì) và chỉ ra (ở đâu trong văn bản). Nếu thiếu bước sau sẽ mất nửa số điểm. Nếu câu hỏi có nhiều vế (thường là câu 3 và câu 4) thì không nên viết thành đoạn văn, mà nên trả lời mỗi ý bằng các ý gạch đầu dòng. Các cách hỏi như “theo văn bản/theo tác giả” thì phải bám sát văn bản để trả lời. Cách hỏi “theo anh/chị” là trình bày ý kiến riêng của học sinh. Câu hỏi có yêu cầu “hiểu thế nào” thì phải vận dụng thao tác giải thích, hoặc “trình bày ý kiến anh/chị” thì vận dụng thao tác bình luận. Nếu câu hỏi yêu cầu “đưa thêm giải pháp/ý kiến của bản thân” thì nên đưa càng nhiều ý kiến càng tốt, nhưng không được trùng lặp với các ý có trong văn bản. Câu hỏi yêu cầu nêu tác dụng của phép tu từ nào đó trả lời bằng cách lấy chính tác dụng của phép tu từ đó kết hợp với chi tiết trong ngữ cảnh văn bản.
“Bí quyết” chinh phục giám khảo?
Thực tế cho thấy, hai học sinh có kiến thức đọc hiểu ngang nhau, nhưng điểm số khác nhau là do hơn điểm biết chăm chút cho câu trả lời. Chẳng hạn: Về trình bày, câu trả lời có lời dẫn lại câu hỏi, khoảng cách giữa các câu rõ ràng, nên có khoảng cách an toàn giữa các câu trả lời (khoảng 3, 4 dòng) để cần có thể sửa chữa lại, vừa dễ dàng cho giám khảo chấm điểm. Hay như khi trả lời câu hỏi nhận biết (phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận…) nên kèm theo lý giải vì sao, đó là cái “mẹo” để kiểm chứng đáp án. Ngoài ra chú ý các mặt như canh lề, dòng; các cách trình bày gạch đầu dòng, trình bày đoạn và cả chữ viết, chính tả…
Cổ nhân nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, học sinh muốn “thắng” phải nắm vững các yêu cầu của đáp án chấm và mong muốn của giám khảo là gì!
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)