Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định rằng, để xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo thì cần gắn kết, tương tác giữa 4 nhà, trong đó, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò tiên phong, là động lực cho mọi đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cung cấp nhân lực tài chính, triển khai các ý tưởng khởi nghiệp và công nghệ mới.
Khu đô thị phía Đông TP
Để thực hiện mục tiêu này, theo lời ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, thì TP sẽ triển khai 5 giải pháp để đẩy nhanh xây dựng khu đô thị sáng tạo. Cụ thể là: (1) Hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, DN – viện trường – Nhà nước để hợp tác chính thức về việc lập chương trình, thiết kế, phân phối, tiếp thị và quản trị; (2) đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, đô thị và xã hội; (3) xây dựng các chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo; (4) thúc đẩy tăng trưởng tổng thể bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng tái tạo các vùng lân cận đang gặp khó khăn cũng như tạo ra các cơ hội giáo dục, việc làm và cơ hội khác cho cư dân có thu nhập thấp. Thứ năm, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp và mở rộng DN, phát triển bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp và thương mại.
Chỉ có thể là khu vực phía Đông
Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Tiềm năng về giáo dục, khoa học công nghệ ở khu vực phía Đông TP (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức) là rất lớn với 16 trường đại học và 500.000 sinh viên, đây là hạt nhân của TP để xây dựng đô thị sáng tạo. Do đó, cần phải kích thích được khu vực này, nhất là nâng cao khả năng nghiên cứu của viện – trường. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng đặt ra nhiều câu hỏi gợi mở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận và tìm lời giải, cách làm phù hợp. Cụ thể, với khu đô thị sáng tạo, làm thế nào để tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các bên có liên quan? Cách nào xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách để thúc đẩy các bên cùng hợp tác nhằm đáp ứng công việc và cuộc sống hằng ngày của mỗi người? Dẫn ra việc Khu Công nghệ cao
TP.HCM đã tồn tại 15 năm nhưng chưa tận dụng được hết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo điều kiện cho sự tương tác hiệu quả giữa các bên liên quan?
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP, đánh giá xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông là hợp lý nhất. Bởi nơi đây dễ dàng kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ theo chuẩn quốc tế. Qua đó, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hàm lượng khoa học cao. Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ trở thành lõi trung tâm kinh tế sầm uất, giáo dục khoa học sáng tạo mở phát triển bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á.
GS.TS Nguyễn Trọng Hòa nhận xét chủ trương hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông đã nâng tầm công tác quản lý phát triển đô thị tại TP lên tầm cao mới, rút ngắn khoảng cách so với các đô thị phát triển trên thế giới. Ông cũng dự đoán nơi đây chắc chắn trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của TP và khu vực trong tương lai.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết TP làm hết sức để DN trở thành động lực của đô thị sáng tạo. TP sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, khung pháp lý minh bạch, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của DN và cung cấp những hỗ trợ tốt nhất.
Những việc cần làm ngay
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng TP cần thành lập hội đồng đô thị sáng tạo với một nhóm nhà lãnh đạo có tầm nhìn và sức ảnh hưởng ở các lĩnh vực khác nhau để lồng ghép chuyên môn trong quá trình hoạt động và tránh hành chính hóa cơ quan này. Nhiệm vụ của hội đồng là xây dựng lộ trình tổng thể mang tính định hướng chiến lược cùng các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn.
TS. Trần Du Lịch nói rằng giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu vì nó quyết định sự thành công của khu đô thị sáng tạo. Nếu các trường đại học không tạo ra sản phẩm công nghệ mới thì khó thực hiện. Để làm được việc này, TP cần phải thay đổi phương thức tài trợ cho khoa học theo đầu vào như hiện nay mà phải tài trợ đầu ra, nghĩa là sản phẩm nào có giá trị thì sẽ được trả kinh phí xứng đáng.
Đồng quan điểm, ông Kyosuke Nagata, Hiệu trưởng Đại học Tsukuba, khẳng định hệ thống trường đại học đóng vai trò cốt lõi quan trọng của một TP sáng tạo, còn hoạt động kinh doanh vì khoa học công nghệ luôn là lợi thế cạnh tranh quan trọng. Dẫn chứng mô hình quy hoạch của TP.Tsukuba, ông Kyosuke Nagata cho biết trường của ông cùng nhiều viện – trường khác nằm ngay trung tâm TP. Điều quyết định của TP sáng tạo là các DN tại đây liên kết chặt chẽ với các trường và thường xuyên đặt hàng các giải pháp công nghệ, sáng tạo từ các viện, trường trong TP.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khuyến cáo TP cần đổi mới về cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm thông qua việc lập kế hoạch và tính đến việc kết nối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương nhằm tạo ra một TP mang tính cạnh tranh, năng suất cao…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: Chính quyền TP cùng cộng đồng DN sẽ hành động quyết liệt và khẩn trương hơn nữa, nhằm biến ý tưởng thành những kết quả thiết thực và cụ thể; phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng thành công đô thị thông minh, đô thị sáng tạo… giúp TP nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới.
N.Đ (ghi)
Bình luận (0)