PGS.TS Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, ĐHQG TP.HCM) trao đổi tại hội thảo
“Vai trò của trường ĐH là cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng tư duy khởi nghiệp cho sinh viên. Triển khai Đề án 1665 của Chính phủ trong trường ĐH không phải là trường “đẩy” sinh viên ra ngoài khởi nghiệp, mà chính là chúng ta trang bị cho các em tư duy khởi nghiệp để từ đó tích lũy kiến thức khởi nghiệp, tạo ra những sinh viên có giá trị”. Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, ĐHQG TP.HCM) đưa ra trong Hội thảo “Triển khai Đề án 1665 của Chính phủ trong trường ĐH như thế nào” diễn ra sáng 12-12 tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Đề án 1665 của Chính phủ về việc “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% trường ĐH, CĐ, TC, học viện có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; ít nhất 90% học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp; 100% ĐH, học viện và 50% CĐ, TC có ít nhất 2 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ, đầu tư hoặc kết nối với doanh nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm… Theo ông Thi, thống kê cho thấy trên thực tế chỉ có 2-3% sinh viên có thiên hướng “làm chủ, trở thành doanh nhân”. Do đó, kỳ vọng của đề án không phải là đào tạo sinh viên ra trường 100% làm doanh nhân hay ông chủ. Mà mục tiêu của đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người học; trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho các em trong thời gian học tập tại trường; và tạo ra môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Để trang bị tư duy khởi nghiệp cho người học ông Thi cho rằng việc đưa môn học “đào tạo tư duy khởi nghiệp” vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa chỉ là một phần. Quan trọng nhất chính là các trường ĐH phải thiết kế được hệ thống để hỗ trợ kiến thức, đặc biệt là sự trải nghiệm cho các em. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Starup) cần những kiến thức và kỹ năng rất khác, không có trong các chương trình, giáo án đào tạo về quản trị kinh doanh. Do đó, các trường cần tạo ra môi trường, kiến tạo không gian, hỗ trợ người học có được những kết nối tốt hơn với doanh nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm, với xã hội và hệ sinh thái của địa phương”, ông Thi nhấn mạnh.
Cốt lõi của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là những “thể chế đầu tư mạo hiểm” sẵn sàng chi vốn chỉ dựa trên niềm tin với ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Để có những “thể chế đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần”, ông Thi cho rằng cần phải tạo ra được một hệ sinh thái khởi nghiệp. Mà muốn có hệ sinh thái khởi nghiệp thì cần phải có một xã hội khởi nghiệp. Để có một xã hội khởi nghiệp thì lại bắt đầu từ chính giáo dục, trang bị tư duy khởi nghiệp.
Từ những nhận định đó, theo ông Thi, để việc triển khai thành công Đề án 1665, các trường ĐH có vai trò cực kỳ quan trọng khi góp phần tạo ra con người và kiến tạo ra văn hóa trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Thực hiện tốt Đề án thì chính các trường sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi không chỉ “tạo tiếng vang” cho trường mà còn tạo ra thế hệ sinh viên “có giá trị, biết mơ lớn”.
Yến Hoa
Bình luận (0)