Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ATM vì cộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Khởi động chương trình ATM nhà trọ, ATM việc làm cho người khó khăn trên địa bàn TPHCM từ ngày 16-8 đến nay, ê kíp thực hiện nhận được nhiều cuộc gọi mong muốn được giúp đỡ. Với đường dây nóng hoạt động 24/7, chương trình nhằm góp phần giúp người lao động giải quyết vấn đề cấp bách: chỗ ở và việc làm.
Các tình nguyện viên tiếp nhận thông tin cho chương trình  ATM nhà trọ và ATM việc làm cộng đồng
Các tình nguyện viên tiếp nhận thông tin cho chương trình ATM nhà trọ và ATM việc làm cộng đồng
Tạo nhiều kênh kết nối
Trong đại dịch, nhiều người từ các tỉnh thành khác đến TPHCM làm việc bị ảnh hưởng, bị mắc kẹt không thể trở về quê nhà. Cùng với gánh nặng cơm áo, họ không còn đủ khả năng trả tiền phòng trọ. Trước tình trạng này, Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên thuộc Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã vận hành chương trình “ATM nhà trọ cộng đồng” và “ATM việc làm cộng đồng”. ATM nhà trọ sẽ ghi nhận thông tin người cần chỗ trọ và chủ nhà trọ, còn ATM việc làm kết nối nhu cầu việc làm giữa nhà tuyển dụng và người lao động. 
Theo anh Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên, đối với ATM việc làm, do tuân thủ giãn cách xã hội nên chương trình chủ yếu kết nối những nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực thiết yếu. Đó là các đơn vị cung ứng thực phẩm, kinh doanh nông sản; các công ty trong lĩnh vực vận chuyển, dịch vụ hỗ trợ hậu cần bệnh viện. Còn anh Lê Thanh Tuấn, Giám đốc dự án ATM nhà trọ cộng đồng, chia sẻ: “Chúng tôi tiếp nhận thông tin của người cần tìm nơi ở và các nhà hảo tâm có nhu cầu chia sẻ không gian nhà trọ. Khi người dân liên hệ, tình nguyện viên sẽ phân loại và hướng dẫn điền thông tin phù hợp. Chúng tôi sàng lọc những gì đã tiếp nhận, sau đó sẽ khảo sát khu vực nhà trọ”. Chương trình cũng sẽ xác nhận thông tin, tình trạng sức khỏe của người có nhu cầu nhằm đảm bảo yếu tố phòng dịch.
Theo số liệu từ Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên, đến sáng 20-8, hơn 200 người ở nhiều quận huyện tại TPHCM đã đăng ký thông tin cho chương trình ATM việc làm. Người tìm việc để lại thông tin cá nhân, việc từng làm, công việc mong muốn, thời gian có thể bắt đầu làm việc. Người lao động tìm việc thuộc nhiều lĩnh vực, từ nhân viên văn phòng, giữ trẻ, nhân viên kinh doanh, cho đến công nhân, phụ hồ công trình. Anh Nguyễn Tùng, ở trọ tại huyện Củ Chi, cho biết gần 2 tháng nay anh không có việc làm. “Hồi trước tôi làm phụ hồ, ai kêu gì làm nấy. Nghe nói có chương trình ATM việc làm nên tôi muốn đăng ký bán hàng thời vụ hoặc bất cứ việc gì cũng được. Ba đứa con sắp vào học rồi, không biết làm sao”, anh nói. Còn với ATM nhà trọ, đến sáng 20-8 có khoảng 70 người đăng ký tìm chỗ trọ và 20 chủ trọ cho ở miễn phí hoặc tính giá rẻ chừng 1 triệu đồng/tháng đổ lại. 
Đồng lòng, chung sức
Để kết nối chương trình “ATM nhà trọ cộng đồng” và “ATM việc làm cộng đồng”, những người phụ trách và các tình nguyện viên hoạt động hết công suất. Đơn vị tiếp nhận thông tin qua các kênh như fanpage “ATM – Việc làm cộng đồng”, “ATM – Nhà trọ cộng đồng”. Cả hai fanpage thường xuyên cập nhật nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, hướng dẫn cách đăng ký thông tin tuyển dụng, thông tin cho ở trọ, trả lời thắc mắc của người dân. Cùng với đó là sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ nhà trọ, lẫn sự lan tỏa thông tin của cộng đồng mạng.
Với ATM nhà trọ, chương trình đã kết nối được những nhà hảo tâm hỗ trợ hết mức có thể, đa số cho ở miễn phí. Trong đó có những câu chuyện thật cảm động. Anh Ngô Tuấn Anh, hỗ trợ chương trình ATM nhà trọ, kể rằng tối 17-8, chương trình nhận được lời cầu cứu của một phụ nữ với nội dung: cha mẹ vào TPHCM chữa bệnh ung thư, đang ở trước Bệnh viện Ung bướu và không tìm được chỗ trọ. “Nhận thông tin, chúng tôi đã kết nối giúp cô chú này về ở tạm tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức. Chúng tôi cũng tặng một số vật dụng, nhu yếu phẩm để cô chú sử dụng”, anh nói. Cũng trong ngày 17-8, một thanh niên bị kẹt lại TPHCM đã tìm được chỗ trọ ở phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức nhờ sự kết nối của ATM nhà trọ cộng đồng. Một số trường hợp bệnh nhân F0 đã điều trị khỏi bệnh, không có chỗ trọ cũng được hỗ trợ nơi ở.
Theo anh Thanh Hân, hai hoạt động trên chắc chắn không thể giải quyết được tất cả nhu cầu tìm chỗ trọ và việc làm hiện nay. “Nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ kết nối những người thật sự có nhu cầu, phù hợp với các chính sách, quy định an toàn về phòng chống dịch. Chúng tôi mong chương trình sẽ mang lại tín hiệu tích cực, các đơn vị, tổ chức sẽ đồng hành, chung tay lan tỏa để góp phần chia sẻ cùng TPHCM trong thời gian khó khăn này”, anh nói.
YẾN TRINH (theo SGGP)

Bình luận (0)