Hơn 92% học sinh mong thầy cô cười nhiều hơn; 84% học sinh mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm sai; 82% mong thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn hay nhiều người…
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm
Đây là kết quả khảo sát trên 181 học sinh THCS, được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thông tin tại tọa đàm “Hành động vì hạnh phúc học sinh” do trường ĐH này tổ chức chiều 14-12. Khảo sát này xoay quanh việc “Học sinh cần thế nào để cảm thấy hạnh phúc khi đến trường mỗi ngày” do chính ông Sơn cùng cộng sự thực hiện.
Xóa áp lực kiểm tra, đánh giá
Khảo sát còn cho thấy, có 82% học sinh mong được tổ chức học tập xen kẽ chơi, trao đổi, thảo luận; 75% học sinh mong đừng cho học thuộc lòng nhiều quá; 74% học sinh mong thầy cô đừng nhắc nhiều lần “môn học này là rất quan trọng”; 70% cho rằng thưởng điểm hay khen tặng, động viên nhiều hơn trách phạt; hơn 66% học sinh cho rằng cần bớt bài tập về nhà nếu có thể; 62% cho rằng tăng cường tính thực tế, khám phá thực tiễn, dã ngoại. Đặc biệt, 60% mong chấp nhận những suy nghĩ, hành vi chưa giống như người khác mong đợi…
Về con số “82% học sinh mong thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn hay nhiều người”, ông Sơn cho rằng, đây là một trong những vấn đề khiến phải suy nghĩ; phải chăng chúng ta còn những tiết học chủ nhiệm… hành hạ hoặc những giờ chào cờ đầu tuần căng thẳng? Về mong muốn “đừng cho học thuộc lòng nhiều quá”, ông Sơn kể ra trường hợp có học sinh thường xuyên giơ tay xung phong trả bài mặc dù… không thuộc bài. Lý do em này biết cô thường chọn dò bài những người… không giơ tay và đây là chiêu em dùng để “thoát thân”.“Rõ ràng, chúng ta đang gây áp lực và tạo cho các em những hành vi xấu thay vì đem đến các hành vi tích cực” – ông Sơn nhìn nhận.
Đại biểu trình bày ý kiến tại tọa đàm
Nhiều đại diện từ các sở GD-ĐT, trường THPT cũng cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ cách kiểm tra đánh giá nhằm giảm thiểu căng thẳng, áp lực cho người học. Ông Nguyễn Thanh Long (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Cần Thơ) nhận định, áp lực kiểm tra đánh giá hiện nay quá lớn. Việc kiểm tra đánh giá chỉ dựa theo nhu cầu, mong muốn của người lớn chứ chưa xác định nhu cầu của trẻ. Mong muốn của người lớn lại quá nhiều, bám vào: điểm cao, đoạt giải thưởng, thành tích này nọ… Ông Long thừa nhận chính thời còn đi học, những phút thầy cô kiểm tra bài đầu giờ đã từng là nỗi sợ, ám ảnh không thể nào quên, đồng thời cho rằng hiện nay, học sinh cũng đang chịu những áp lực như vậy khiến các em không thấy hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết (Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Bình Dương) cũng chỉ ra, có hiện tượng học sinh né trả bài bằng cách… giơ tay xung phong. Vì sau khi xung phong, được gọi một lần, các em sẽ yên tâm không bị dò bài nữa.
6 nguyên nhân khiến HS không thấy hạnh phúc Theo ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM), có 6 nguyên nhân khiến học sinh đến trường mà không cảm thấy hạnh phúc, cụ thể: Năng lực người thầy còn yếu; không yêu nghề; thiếu tâm và thiếu tình; thiếu tôn trọng học sinh; yếu tin học, ngoại ngữ; ít cập nhật thông tin thời cuộc trong và ngoài nước. Ông Phú cho rằng những hoạt động tạo niềm vui, hạnh phúc cho học sinh các trường cần làm thật, làm cụ thể chứ không phải để… báo cáo. Tại trường, việc đối thoại với học sinh, lắng nghe tâm tư tình cảm của các em được thực hiện thông qua các buổi gặp trực tiếp, đặc biệt không có hình thức soạn sẵn câu hỏi lấy ý kiến học sinh. Ông Phú cũng cho hay, tại trường, học sinh được trang điểm nhẹ, mang giày cao gót… khi đi học vì những việc này hướng các em đến việc xây dựng hình ảnh đẹp, giúp các em vui, hạnh phúc. |
Để tránh áp lực cho giáo viên và học sinh trong kiểm tra đánh giá, đơn cử như giờ trả bài, bà Tuyết cho biết, trong hoạt động giảng dạy tại địa phương có thực hiện lược bớt, không yêu cầu giáo viên đi đúng trình tự 5 bước lên lớp. Thay vào đó, giáo viên có thể sáng tạo, xen kẽ việc kiểm tra bài cũ trong khi dạy bài mới. Như vậy, học sinh sẽ không bị quá căng thẳng.
Cần chặt chẽ trong tuyển giáo viên
Thực tế, theo ông Nguyễn Phúc Tăng (Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Cần Thơ), áp lực đối với người giáo viên hiện nay rất lớn, áp lực này từ các phía lãnh đạo nhà trường, gia đình, công việc, phụ huynh, xã hội… Những căng thẳng, áp lực đó rất dễ bị truyền sang học trò, khiến các em cũng thấy căng thẳng, đến trường mà thiếu đi niềm hạnh phúc. Do vậy, nhà trường cần xây dựng tổ chuyên môn tốt, thực sự là “ngôi nhà thứ 2” để giáo viên được “giải tỏa” những căng thẳng, xung đột với học trò… Bên cạnh đó, cần trang bị thêm kiến thức về tâm lý giúp giáo viên ứng xử tích cực; tăng tâm huyết người thầy thông qua những cuộc thi về tấm gương nhà giáo. Đặc biệt, chú trọng khâu đánh giá cuối năm, lấy đây là cơ sở để điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giáo viên.
Không chỉ vậy, bà Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ) đặt vấn đề đổi mới ngay từ khâu tuyển dụng. Bà Thắm cho biết, việc tuyển dụng giáo viên tại địa phương đã bắt đầu theo hướng giảm tối đa câu hỏi về kiến thức, pháp luật mà chú trọng nội dung về giải quyết tình huống, thể hiện phẩm chất năng lực nhà giáo. Chính hướng đổi mới này đã giúp tuyển được giáo viên chất lượng hơn. Đợt tuyển gần đây nhất, bên cạnh việc giảm thiểu thang điểm kiến thức, giáo sinh còn phải tham gia dạy thử để thể hiện khả năng. Bà Thắm nhấn mạnh, việc tuyển dụng đầu vào hết sức quan trọng, nếu ngay từ đầu tuyển giáo viên không đạt sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, cuộc đời nhiều học sinh.
Mê Tâm
Bình luận (0)