Dù không lành lặn như bao người khác nhưng ý chí, nghị lực của chàng trai sinh năm 1992 khiến nhiều người phải khâm phục. Bởi anh không chỉ sống cho bản thân, gia đình mà còn cưu mang những đứa trẻ nghèo, mồ côi cha mẹ.
Thầy Hổ hạnh phúc khi được giúp đỡ trẻ em nghèo
Người được nhắc đến chính là anh Ngô Tứ Hổ, ngụ 2/36 Đỗ Nhuận, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM.
Quyết tâm đến trường
Sinh ra trong gia đình có 5 chị em. Ngoài gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ Hổ phải thiệt thòi hơn người khác là mắc căn bệnh xương thủy tinh, đôi chân gầy guộc, yếu ớt, đi lại khó khăn. Trải qua nhiều lần phẫu thuật cắt ghép phần xương cong rồi bị tai biến đã khiến gia đình anh kiệt quệ. “Mọi thứ quý giá trong nhà đều bán để giành lại sự sống cho tôi” – Hổ tâm sự.
Dù bệnh tật nhưng ước mơ được đến trường của Hổ chưa bao giờ vụt tắt. Bởi anh thấu hiểu “chỉ có đi học mới giúp mình nuôi sống bản thân, lo cho cha mẹ và những người xung quanh”. Với ý nghĩ đó, Hổ quyết tâm đến trường, thành tích học tập của anh năm nào cũng đạt loại khá giỏi. Ngoài việc học tập trên lớp, Hổ còn tham gia nhiều phong trào, hoạt động xã hội như: Đội trưởng đội thanh niên xung kích Hội Chữ thập đỏ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân; huấn luyện viên sơ cấp cứu TP. Hễ ai gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn… giúp được trong khả năng của mình thì anh không hề từ chối. Vì thế năm nào Hổ cũng được tuyên dương Người tốt việc tốt.
Không dừng lại ở đó, năm 2011, Hổ còn nhận dạy kèm cho những học sinh yếu kém, phụ huynh có bao nhiêu đóng bấy nhiêu. Khi được hỏi cơ duyên đến với công việc này, Hổ cho biết: “Tôi có ý định dạy kèm từ lâu rồi nhưng vì chưa tự tin với kiến thức nên đến năm 2011 (tốt nghiệp phổ thông) mới dám truyền tải kiến thức cho lớp trẻ. Với lại, lúc còn đi học thầy cô thường động viên, chia sẻ. Có lúc không có tiền đóng học phí thầy cô sẵn sàng giúp đỡ, miễn giảm để tôi được đến trường. Từ lòng biết ơn đó, tôi muốn giúp đỡ lại cho các em có hoàn cảnh giống như mình”.
Dạy học bằng cả cái tâm
Thấy Hổ đi lại khó khăn, có lúc gặp phải tai nạn giao thông trên đường đi dạy thêm nên năm 2013, nhiều phụ huynh ngỏ ý giao con cho Hổ dạy tại nhà để đỡ cực. Thế là từ đó, trong căn trọ chật hẹp, thiếu trước hụt sau là lớp học và nơi nương tựa của hàng chục đứa trẻ từ mồ côi, nghèo khó cho đến khá giả. Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ở lớp học này, các em có 3 cấp độ học phí. Đối với trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, thầy Hổ miễn học phí hoàn toàn, lo luôn việc ăn ở. Còn em có gia cảnh nghèo phụ huynh đóng tùy ý. Trẻ nhà khá giả thì đóng mỗi tháng 400 ngàn đồng. Bù qua đắp lại, tiền học phí đó chỉ đủ để các thầy trò trang trải qua ngày, có khi còn thiếu chứ không dư giả. Nhưng có một thứ mà thầy trò Hổ không thiếu đó là tiếng cười. “Cuộc sống không có gì để buồn. Dù cuộc đời nghiệt ngã ra sao thì nụ cười và sự tự tin chính là liều thuốc chống lại tất cả” – Hổ bật mí.
Khi nhắc đến chuyện vợ con, Hổ lắc đầu: “Tôi muốn toàn tâm lo cho các em. Với lại lấy vợ sợ làm khổ người ta, sinh con ra lỡ giống như mình thì tội nghiệp chúng”. |
Hổ nhớ lại: “Lúc mới mở lớp, cái bàn dạy học cũng không có. Tiền nhà thì không tháng nào trả đúng ngày. Thêm vào đó là lời ra tiếng vào từ những người xung quanh, sự nghi ngờ của họ về lòng tốt của mình. Có người còn ác ý, cái thằng đi đứng không vững, nói ngọng… thì làm nên trò trống gì, có khi nó còn làm hại con mình… Tình cảnh đó, đôi lúc khiến tôi bất lực. Nhưng với quan niệm, một bông hoa có thể nở rồi cũng sẽ tàn nhưng một mảnh đất sẽ tạo được nhiều bông hoa đẹp nên tôi không chùn bước”.
Bằng cái tâm của mình, đến nay mọi thứ đâu đã vào đấy. Cách gọi thầy Hổ hay “má” Hổ lan truyền khắp xóm. Bởi ngoài việc dạy chữ, Hổ còn kèm cặp, dạy dỗ về nhân cách, lẽ sống cho các em bằng chính sự cảm thông, sẻ chia từ người từng đi trước để chúng vững tâm, cố gắng, có niềm tin và nghị lực để vươn lên. Trong số học sinh từng học chỗ thầy Hổ, có em đã tốt nghiệp phổ thông đi làm, có em đi học nghề, có em thì có công ăn việc làm… Họ thường xuyên quay lại thăm thầy Hổ ngày nào và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc dành cho người từng cưu mang, dạy dỗ mình. “Nhờ thầy mà em có được như ngày hôm nay. Nhờ thầy mà em tự tin hơn, chấp nhận bản thân, biết đối đầu với nghịch cảnh” – thầy Hổ thuật lại.
Hiện tại, lớp của thầy Hổ có 12 học trò. Tranh thủ ngoài giờ dạy, Hổ còn nhận thống kê sổ sách về số liệu sức khỏe, trang điểm dự tiệc, giao khô gà… để có thu nhập lo cho gia đình, lo cho các bé nghèo khó. Đáp lại công ơn của thầy, các em ngoan ngoãn, vâng lời, làm được nhiều việc phụ thầy như nấu ăn, lau nhà… có lúc Hổ bệnh, tụi nhỏ còn tranh nhau chăm sóc, bảo vệ giấc ngủ cho thầy. Khi nhắc đến chuyện vợ con, Hổ lắc đầu: “Tôi muốn toàn tâm lo cho các em. Với lại lấy vợ sợ làm khổ người ta, sinh con ra lỡ giống như mình thì tội nghiệp chúng”.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)