Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bi hài tâm lý chờ người nhắc của sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Môi trường ĐH có nhiều khác biệt so với không gian học tập ở phổ thông. Bên cạnh những sinh viên (SV) luôn có ý thức chủ động trong mọi vấn đề thì vẫn còn không ít SV có tâm lý đợi chờ thầy cô, bạn bè nhắc nhở về những nhiệm vụ phải thực hiện trong quá trình học tập.

Dường như tình trạng này đang dần trở nên phổ biến, trở thành một căn bệnh mãn tính. Và điều đáng nói hơn là có những “bệnh nhân” không hề biết mình đang mắc bệnh!

Sau khi giảng viên gửi thông báo đã hết thời hạn nộp bài tiểu luận môn học hoặc nộp báo cáo trải nghiệm thực tập và công bố danh sách những SV chưa nộp thì vẫn có SV thản nhiên hỏi ngược lại, sao không thấy thầy cô hay bạn bè nhắc (?!) Đây không phải là tình huống khó gặp, không chỉ xuất hiện ở SV năm nhất mà còn cả SV các năm sau, thậm chí là SV năm tư – đối tượng mà thời gian tốt nghiệp ra trường chỉ còn tính bằng vài tháng, vài tuần ngắn ngủi.

Có những SV không quan tâm đến lịch học vì luôn ỷ lại có bạn bè thông báo khi cần. Trong buổi học cuối cùng kết thúc môn, giảng viên công bố điểm giữa kỳ, SV thắc mắc vì sao không có điểm. Hóa ra, buổi học có hoạt động kiểm tra giữa kỳ, SV không đi học. Khi hiểu được lý do, một cách bình thường và quen thuộc, SV quay qua bạn ngồi cạnh hỏi một câu trách cứ: “Sao bạn không nhắc mình?”.

Không khó để kể ra những tình huống SV tỉnh bơ cho rằng vì không được thầy cô, bạn bè nhắc nhở nên không biết đường thực hiện. Nếu kể ra nữa, chỉ thêm tốn giấy mực, và chuốc lấy những cảm xúc cười ra nước mắt.

Nếu ngồi trên một chiếc ghế êm ái và thoải mái, có người sẽ rơi vào trạng thái thỏa mãn mà ngủ quên. Nếu cứ thản nhiên dựa dẫm vào người khác, bản thân sẽ không bao giờ có thể tự lực đạt được thành quả gì. Đơn giản chỉ là việc nộp bài mà cũng chờ thầy cô, bạn bè chạy theo giám sát, sao có thể biết gì đến cái gọi là kỹ năng quản lý thời gian, phương pháp lập kế hoạch học tập… Ngay cả những công việc đơn giản của bản thân, SV cũng mang tâm lý đợi chờ người khác nhắc nhở thì chắc chắn sự trưởng thành là đích đến thật xa vời.

Thói quen ỷ lại vào người khác có thể được SV hình thành và lâu dần khó đổi do có môi trường được những người xung quanh luôn quan tâm, chiều chuộng một cách thái quá (nhất là với tâm lý quá mức thương con của không ít phụ huynh hiện đại, đời sống vật chất có điều kiện…). Thiết nghĩ, nhà trường cần có các biện pháp thay đổi nhận thức, giáo dục tinh thần có ý thức của SV trong quá trình học tập. Mặt khác, giảng viên cũng cần có thái độ kiên quyết, không thỏa hiệp với thói quen ỷ lại, dựa dẫm của SV. Giảng viên cần nghiêm túc duy trì các quy định đã được đặt ra. Có khen thưởng đối với SV thực hiện tốt thì cũng có những chế tài dành cho SV không thực hiện đúng yêu cầu. Đặc biệt, SV cần và phải nhận được một bài học giá trị, một kinh nghiệm đáng nhớ để khắc sâu sai lầm ỷ lại mà mình đã gây ra, tránh tái diễn sai lầm.

Trần Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)