Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm sao xóa bệnh thành tích trong GD?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 17-12-2018 tin ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chọn Yên Bái, tỉnh miền núi phía Bắc, để đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã nhận được sự quan tâm của xã hội. Mà cũng đúng thôi. Hiện nay ngành mà ông đang là “Tư lệnh” có quá nhiều vấn đề “nóng” cần ông lý giải và thật sự ông đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và có lộ trình cụ thể, nhận trách nhiệm đối với những bất cập, hạn chế, tồn tại đối với lĩnh vực quan trọng này.

Là người trong nghề, tôi thấy thương cho ông khi Bộ trưởng bày tỏ quan điểm: việc đánh giá giáo viên giỏi, công chức, viên chức đạt chiến sĩ thi đua đang sa vào hình thức, bệnh thành tích. Nhớ không lầm là trước đây vào ngày 6-6-2018 trả lời chất vấn trước Quốc hội ông Bộ trưởng cho “đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, hiện nay vẫn còn phổ biến, tinh thần của bộ là nói không với bệnh thành tích, tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến thói quen, văn hóa”, “Bộ tiếp tục tiến hành đổi mới công tác thi đua trong trường học theo hướng thi đua phải thiết thực, hiệu quả, tránh chạy theo bệnh thành tích”… Như vậy, chính ông Bộ trưởng đã biết không phải việc này “đang sa vào” mà trước nay vẫn vậy, đó luôn là “hình thức, bệnh thành tích”.

Thầy cô giáo biết phải làm sao để tránh được bệnh thành tích? Vì hiện nay “thành tích” không còn là “bệnh” trong ngành giáo dục, mà nó là “bạo bệnh” và được mặc nhiên thừa nhận đó là chất lượng.

Xin mạnh dạn đề xuất là để đổi mới công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực một số giải pháp trước mắt ở cấp hạ tầng như sau:

1. Không đề ra chỉ tiêu về chất lượng với số lượng học sinh khá – giỏi quá cao không đúng thực tế. Chỉ yêu cầu chất lượng chung là hoàn thành chương trình với số học sinh đạt yêu cầu được lên lớp đúng thực chất. Nghĩa là phải chấp nhận có học sinh lưu ban nhất định trong mỗi khối lớp. Tránh tình trạng “vú ép” học sinh lên lớp.

2. Không xếp hạng thi đua trong nhà trường. Do mỗi giáo viên và công nhân viên trong trường được phân công nhiệm vụ khác nhau, không thể xếp hạng giáo viên thấp hơn công nhân viên do họ là người thực hiện nhiệm vụ chính của nhà trường và cũng không thể xếp công nhân viên thấp hơn giáo viên do họ cũng hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Chỉ nên đánh giá giáo viên hoàn thành nhiệm vụ và có thể đề nghị khen thưởng một số giáo viên có thành tích nổi bật trong năm học.

3. Tổ chức các kỳ kiểm tra theo đúng quy định nhưng gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh. Trong năm học, học sinh phải trải qua các lần kiểm tra, như: Kiểm tra định kỳ 1 tiết (học kỳ I và II) hiện là kiểm tra giữa kỳ I và II; kiểm tra học kỳ I và II. Các lần kiểm tra này hiện nay được gọi là thi giữa kỳ và thi học kỳ gây không khí nặng nề cho cả giáo viên và học sinh. Nên để giáo viên tự kiểm tra theo thời khóa biểu trên lớp tự chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy của mình, vừa đơn giản, phù hợp, chính xác, không áp lực và không tốn kém ngân quỹ. Điểm số của giáo viên ghi cho học sinh phải được tôn trọng.

4. Hiện nay có rất nhiều phong trào và các cuộc vận động trong nhà trường, nên tập trung chủ yếu vào một vài phong trào nhằm nâng cao chất lượng dạy và học và chỉ nên cần tập trung phong trào dạy và học.

5. Hãy cho nhà trường có thể nghiêm túc sử dụng các hình thức khen thưởng và kỷ luật học sinh căn cứ vào điều lệ các cấp học và quy chế đánh giá xếp loại học sinh. Không lấy kết quả khen thưởng kỷ luật và xếp loại học sinh để đánh giá và xếp loại giáo viên.

6. Hãy cho nhà giáo có đủ tâm thế làm thầy. Phụ huynh học sinh và các cấp lãnh đạo trước hết phải tôn trọng người thầy để làm gương cho học sinh. Đừng can thiệp quá sâu vào nghiệp vụ của nhà giáo.

7. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội hãy thừa nhận xã hội nào cũng cần những “nhân tài” và tất nhiên không phải ai cũng là nhân tài. Phụ huynh đừng ép con mình phải là nhân tài; nhà trường đừng đòi hỏi học sinh của mình đều là nhân tài; xã hội đừng đòi hỏi nhà giáo phải đào tạo ra toàn bộ công dân nhân tài; phải giáo dục học sinh ý thức rằng các em học tập tốt để thành công dân tốt và luôn rèn luyện để có thể trở thành nhân tài.

Hãy động viên nhà giáo “thi đua” dạy và học, đừng buộc nhà giáo phải “ganh đua” cho những danh vị bằng những kết quả ảo. Hãy nhìn nhận những thành tích tích cực của ngành giáo dục để có những cảm thông và thấu hiểu nhiệm vụ của các nhà giáo chân chính.

Trần Đăng Huy (TP.Cần Thơ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)