Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục – đào tạo với nhiệm vụ nâng chất nguồn nhân lực thời CM 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng của GD-ĐT, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là từ Đại hội Đảng lần thứ XI và Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TƯ (khóa XI) đến nay. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, là yêu cầu bức thiết của công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế! Thế hệ trẻ học đường là lực lượng chủ yếu của nguồn nhân lực nước nhà.

Giờ thực hành của sinh viên kỹ thuật tại một trường cao đẳng ở TP.HCM

Thế kỷ XXI là thế kỷ của nền văn minh trí tuệ phát triển cao, là thời đại siêu công nghiệp (cách mạng CN 4.0) và nền kinh tế thị trường quy mô toàn cầu bùng nổ tính cạnh tranh gay gắt, đồng thời các vấn đề chính trị – xã hội của các nước trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đều hết sức coi trọng vấn đề chất lượng nguồn nhân lực của nước mình. Tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý kinh tế tuy rất quan trọng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực – mới chính là điều kiện quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. GD-ĐT có trách nhiệm chính – trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. UNESCO đã khuyến cáo với các nước trên thế giới: “Trong bối cảnh đi vào cuộc đua tranh toàn cầu hóa, cộng đồng nào, quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không biết cách làm giáo dục thì số phận quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản”!

Sau ngày tuyên bố độc lập (2-9-1945), ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”; trong đó, nhiệm vụ thứ hai – là phải chống giặc dốt. Bác Hồ viết: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (“Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 36). Tiếp đó, ngày 5-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết “Thư gửi cho học sinh”, với tình cảm thiết tha và những lời nhắc nhở ân cần: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Sđd, tr. 37). Cho đến ngày 15-10-1968, trong bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành GD-ĐT, Người lại căn dặn thầy và trò: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” (Sđd, tr. 257 – 258).

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH nước nhà và hội nhập quốc tế, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng ta rất coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đại hội Đảng XI đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”. Trong “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020” trình bày tại ĐH Đảng XI, nêu rõ: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh GD-ĐT. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm kinh tế – xã hội phát triển, hiệu quả, bền vững”. Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” càng trình bày sáng tỏ hơn về nhiệm vụ trọng đại này. Đến Đại hội Đảng lần thứ XII (1-2016), một lần nữa, báo cáo chính trị tại đại hội nêu rõ quan điểm của Đảng về GD-ĐT: “… xác định đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực là một trong những định hướng lớn để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; và khẳng định rõ: Đây là “bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về GD-ĐT”. Như vậy, GD-ĐT trong thập niên 2011-2020 và lâu dài về sau, có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.

Những năm qua, GD-ĐT đã nỗ lực phấn đấu, thu được những thành tích đáng tự hào: Phát triển hệ thống các trường từ mầm non đến các cấp phổ thông và các trường dạy nghề, tăng nhanh số lượng các trường CĐ-ĐH và các cơ sở đào tạo trên ĐH; ổn định được chất lượng đại trà của việc giáo dục tri thức văn hóa; HS-SV ra trường nhìn chung đã đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và một phần xuất khẩu lao động. Tuy vậy, GD-ĐT của ta còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém so với nhiều nước trong khối ASEAN và còn thua kém nhiều nước khác trên thế giới. HS-SV Việt Nam phần đông chưa thật sự say mê học tập và nghiên cứu khoa học. Thực tế, SV nước ta sau khi ra trường, chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, phải đào tạo lại, hoặc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. Nói một cách khái quát: Chất lượng nguồn nhân lực của ta còn bất cập đối với yêu cầu CNH, HĐH, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, còn nhiều yếu kém so với trình độ chung của các nước phát triển. Chính vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW như một chiếc “chìa khóa vàng” để mở ra phương hướng tối ưu cho ngành GD-ĐT, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà.

Coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – như trên đã nói – là một đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, một đột phá chiến lược của sự nghiệp cách mạng nước ta, đã được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XI) và văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Để đào tạo nguồn nhân lực này, GD-ĐT phải có một cuộc cách mạng thật sự khoa học, mạnh mẽ, căn bản và toàn diện, để trở thành một nền GD-ĐT trung thực, khoa học và tiên tiến. Đây là một hệ thống vấn đề hết sức to lớn, thiết nghĩ bao gồm các vấn đề cơ bản sau đây.  

1.Trước hết, phải thật sự đổi mới về tư duy giáo dục, xác định đúng và sáng rõ về triết lý giáo dục. Về vấn đề này, chung quy là: GD-ĐT nhằm nâng cao dân đức và dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế – văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến sánh ngang với các nước văn minh, giàu bản sắc dân tộc. 

2.Tiếp đó, phải đặc biệt quan tâm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các cấp, từ cấp bộ đến địa phương (sở, quận, huyện) thật sự có đức, có tài; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ cao, năng lực chuyên môn giỏi và có tư cách đạo đức tốt. 

3.Cải cách chế độ tiền lương, thực hiện tốt chế độ thâm niên (cho GV và CBQLGD và GV đã nghỉ hưu các thời kỳ), thiết thực chăm lo nâng cao đời sống cho họ.

4.Xây dựng lại nội dung chương trình các cấp học cho hợp lý, biên soạn mới sách giáo khoa, giáo trình có tính khoa học, tính hiện đại, tính dân tộc, tính thực tiễn và đổi mới phương pháp dạy- học – thi cử.

5.Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm: cơ ngơi trường học, trang thiết bị hiện đại, thư viện…

6.Trong cuộc cách mạng về GD-ĐT, ta lấy nội lực là chính, song cần tranh thủ và chọn lọc các yếu tố ngoại lực (tham khảo chương trình, SGK, giáo trình, liên kết đào tạo và sự tài trợ của nước ngoài).

Thiết nghĩ, chất lượng nguồn nhân lực bao gồm năm phẩm chất cơ bản: Đức, Trí, Thể, Mỹ (thẩm mỹ) và Kỹ năng sống. Nói một cách cụ thể hơn, con người Việt Nam đương đại phải:

1-Giàu lòng yêu nước, có lý tưởng và lối sống cao đẹp, có đức tính trung thực và lòng tự trọng, có tinh thần chăm chỉ học tập, cần cù lao động và công tác, có ý thức làm chủ và trách nhiệm công dân, tôn trọng pháp luật, có tình cảm quốc tế vô sản trong sáng (tức là yêu cầu về Đức).

2-Có tri thức văn hóa – khoa học và công nghệ ở trình độ phát triển, theo kịp với các nước tiên tiến, để làm việc có kỹ thuật, có năng suất, có sáng tạo và đạt hiệu quả cao (yêu cầu về Trí).

3-Có sức khỏe và thể hình phát triển tốt (yêu cầu về Thể chất).

4-Có lối sống văn hóa, biết sáng tạo và thưởng thức cái đẹp một cách lành mạnh, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại (yêu cầu về Thẩm mỹ).

5- Có khả năng giao tiếp linh hoạt và đúng đắn, biết ứng xử có văn hóa và thích ứng nhanh nhạy với hoàn cảnh để tồn tại, hòa nhập cộng đồng dân tộc và quốc tế, đồng thời giữ gìn được nhân cách của mình (yêu cầu về Kỹ năng sống). Năm yếu tố cơ bản này phải phát triển hài hòa và ở trình độ cao, đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và hòa nhập với nhịp điệu của thế giới văn minh!

Ngành GD-ĐT có trách nhiệm chính trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhưng vai trò của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức xã hội – đoàn thể, của mỗi gia đình, từng tập thể lao động và cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Phải xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh và an toàn (không có tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác); gia đình và người lớn phải gương mẫu; từng tập thể lao động và cộng đồng dân cư phải có lối sống tốt đẹp. Có được như vậy, mới hỗ trợ đắc lực cho GD-ĐT nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những năm qua, vai trò của các nhân tố này còn quá nhiều hạn chế. Cần phải khắc phục những yếu kém đó trong những thập niên tới. Bên cạnh đó, tự thân thế hệ học đường phải có niềm say mê học tập, khát khao tri thức, tình yêu khoa học – điều này phải trở thành ý thức thường trực, tự giác trong HSSV. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện thành công “Chiến lược con người” trong thời kỳ mới!

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính ĐH Hải Phòng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)