Bên cạnh mở thêm nhiều ngành mới, tổ hợp mới, năm 2019 nhiều trường ĐH cũng mở thêm một số ngành đặc thù với thời lượng thực hành nhiều hơn tại doanh nghiệp, tăng khả năng cọ xát thực tiễn cho sinh viên.
Thí sinh được đại diện Trường ĐH Tài chính – Marketing tư vấn thông tin về ngành nghề tại một ngày hội
Cũng như năm trước, năm 2019 các trường ĐH áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau; mỗi phương thức được phân bổ số lượng chỉ tiêu cụ thể, điều kiện xét cụ thể.
Tăng khả năng cọ xát thực tiễn
Năm 2019, Trường ĐH Tài chính – Marketing sẽ tuyển sinh và đào tạo 4 ngành theo cơ chế đặc thù, cụ thể là: quản trị khách sạn (180 chỉ tiêu); quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (140 chỉ tiêu); quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (180 chỉ tiêu); hệ thống thông tin quản lý (200 chỉ tiêu). ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing) cho biết chương trình đào tạo đặc thù sẽ đào tạo theo hướng mở, dễ chuyển đổi và liên thông với nhau. Trong đó, trường học gắn kết với doanh nghiệp để tăng cường đào tạo liên kết, đào tạo thực hành, có ít nhất 30% thời lượng sinh viên học tập với các chuyên gia hoặc lãnh đạo doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Sinh viên sẽ được thực hành trên các phần mềm, phòng mô phỏng hay các vị trí thực tế tại các doanh nghiệp; được tiếp cận với các đề tài thực hành, thực tế do doanh nghiệp đề ra trong quá trình học tập. “Chương trình đào tạo đặc thù gồm tỷ trọng 50% lý thuyết và 50% thực hành sẽ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận thực tế, thích ứng nhanh, kỹ năng tốt và tăng cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp”, ThS. Phụng đánh giá.
Cũng theo ThS. Phụng, năm 2019 Trường ĐH Tài chính – Marketing tuyển 4.500 chỉ tiêu trình độ ĐH ở các tổ hợp: A00, A01, D01, D96 và 600 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C00, D01, D78, D96 với bậc CĐ. Trường tuyển thẳng các đối tượng thí sinh theo quy định tại quy chế tuyển sinh và các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi khoa học – kỹ thuật những môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của trường; xét tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 có kết quả học tập 3 năm THPT đạt loại giỏi hoặc có kết quả cao trong quá trình học THPT đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển; xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tiếp vào các chương trình đại trà, chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù, chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế.
Đa dạng phương thức xét tuyển
Cũng như năm trước, các trường ĐH thường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó chủ chốt vẫn là xét kết quả thi THPT quốc gia. Đơn cử, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2019 tuyển 5.000 chỉ tiêu, trong đó dành gần 30% chỉ tiêu tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Trường dự kiến tuyển sinh bốn phương thức cho 35 ngành, cụ thể: Xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; xét tuyển kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển theo bảy tổ hợp môn gồm A00, A01, D01, D07, V00, V01, B00.
Năm 2019, Trường ĐH Bách khoa chỉ điều chỉnh, phân bổ lại chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển, trong đó ở phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, trường dự kiến tăng lên tối đa 25% chỉ tiêu (năm ngoái chỉ 10%) nếu được chấp thuận. Trường tuyển sinh bậc ĐH chính quy theo các chương trình: học bằng tiếng Việt (21 ngành); chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (14 ngành); đào tạo tại Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre (5 ngành).
Tương tự, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2019 cũng xét 3.445 chỉ tiêu cho 4 phương thức xét tuyển, trong đó sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM với khoảng 30% chỉ tiêu. ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông nhà trường) chia sẻ, trường bổ sung thêm tổ hợp môn mới như: Ngành toán học tuyển tổ hợp D1 (toán – văn – tiếng Anh); ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông (đại trà và chất lượng cao) thêm tổ hợp D90 (toán – khoa học tự nhiên – tiếng Anh). Năm 2019, trường cũng ngừng tuyển sinh bậc CĐ. Trường xác định điểm chuẩn trúng tuyển thống nhất chung cho từng ngành/nhóm ngành tuyển sinh, không phân biệt tổ hợp môn/bài thi xét tuyển.
Năm 2019, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng sẽ tuyển sinh khoảng 7.000 chỉ tiêu bậc ĐH, CĐ theo 3 phương thức tại hai cơ sở đào tạo, trong đó có hai ngành học mới là quản lý đất đai và bảo hộ lao động. Theo đó, bậc ĐH, tại cơ sở chính ở TP.HCM trường tuyển sinh theo ba phương thức, gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia từ 70-90% tổng chỉ tiêu; xét kết quả học tập 5 học kỳ THPT (không kể học kỳ 2 năm lớp 12) các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của các ngành tương ứng, với ngưỡng nhận hồ sơ là điểm trung bình ba môn trong tổ hợp xét tuyển phải ≥ 6.5. Với phương thức này trường dành từ 10-30% tổng chỉ tiêu để xét tuyển, ưu tiên học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; học sinh trường chuyên trên cả nước.
Được biết, trường tuyển sinh đào tạo 31 ngành, nhóm ngành với hai chương trình đại trà và chất lượng cao, xét tuyển theo 12 tổ hợp. Đồng thời trường cũng áp dụng môn chính trong xét tuyển ở tất cả các ngành. Tại phân hiệu Quảng Ngãi, trường sử dụng đồng thời hai phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia và xét kết quả học tập năm lớp 12 các môn có trong tổ hợp xét tuyển. Với phương thức xét kết quả học tập năm lớp 12 bậc THPT, điều kiện nhận hồ sơ là điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển phải ≥ 6. Hình thức đào tạo tại phân hiệu Quảng Ngãi là 2 + 2 (hai năm đầu học tại phân hiệu Quảng Ngãi, hai năm cuối học tại cơ sở chính ở TP.HCM) hoặc 4 + 0 (học bốn năm tại phân hiệu Quảng Ngãi). Riêng bậc CĐ, trường xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT cho tất cả các cơ sở.
Thục Trân
Bình luận (0)