“Hội đồng trường (HĐT) là tổ chức quản trị của nhà trường, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường. Việc can thiệp của phụ huynh, học sinh trong những quyết định đưa ra phương hướng hoạt động cho nhà trường trong HĐT là thực sự không cần thiết”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) nêu quan điểm về quy định HĐT trung học phải có sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.
Mỗi năm các trường trung học đều tổ chức 2 lần đối thoại trực tiếp với học sinh để lắng nghe tiếng nói học sinh. Trong hình: Ban lãnh đạo Trường THPT Trần Hữu Trang (TP.HCM) trong hội nghị đối thoại với học sinh
Quy định thành phần của HĐT mà Bộ GD-ĐT nêu ra trong Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học với sự “góp mặt” của phụ huynh, học sinh/ cựu học sinh, chính quyền địa phương mới đây đã dấy lên nhiều tranh cãi trong các nhà trường, kể cả trung học công lập và tư thục.
Học sinh, cựu học sinh góp mặt trong hội đồng trường
Trong Thông tư 32, Bộ GD-ĐT quy định, thành phần HĐT trung học công lập bao gồm: Bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh. HĐT trung học công lập có nhiệm vụ quyết định về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển của nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và từng năm học; Quyết định về quy chế tổ chức hoạt động của trường, quyết định chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của trường, phê duyệt kế hoạch giáo dục của trường, giám sát hoạt động tuyển sinh và việc tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục của nhà trường…
Thành phần HĐT trung học tư thục bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu ra, quyết định theo tỷ lệ góp vốn. Trong đó, thành viên trong trường bao gồm các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện giáo viên, nhân viên. Thành viên ngoài trường gồm đại diện lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh.
Từ góc độ trường ngoài công lập, ThS. Lê Văn Hồng – Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường THCS-THPT Hoa Sen (TP.HCM) nhìn nhận, việc có thêm sự tham gia của cựu học sinh, doanh nhân trong HĐT là điểm mới “rất đáng ghi nhận” bởi sẽ tạo thêm cơ hội để các đơn vị tư thục huy động thêm nguồn lực, trí lực trong việc phát triển nhà trường. “Trước giờ, nhà trường vẫn rất muốn có một kênh để tạo thêm mối liên hệ với cựu học sinh, để cựu học sinh có thể trở về trường với tinh thần kiến tạo, đóng góp, chia sẻ, đặc biệt là có tiếng nói với các thế hệ học sinh đi sau, với nhà trường. Những học sinh đã trải qua học tập tại trường các em rất có thể sẽ nhìn ra những điểm mạnh, điểm yếu của trường để góp ý một cách khách quan, xây dựng nhất”.
Tuy nhiên, thầy Hồng cho rằng, để thực hiện hiệu quả thì các đơn vị cần phải chọn ra được cựu học sinh có uy tín, có sự thành công nhất định. “Đòi hỏi các nhà trường phải giữ được mối liên hệ với các thế hệ học sinh. Xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, gần gũi để các thế hệ học sinh đã ra trường rồi mà các em vẫn muốn quay trở về trường đóng góp…”.
Đặt nặng trách nhiệm lên vai học sinh?
Trong khi đó, ở góc độ trường công lập, thầy Nguyễn Văn Thành – Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman (Q.1, TP.HCM) lại tỏ ra “băn khoăn” khi có sự tham dự của đại diện học sinh trong HĐT. “Việc tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh có thể chấp nhận được bởi sẽ góp phần thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ giám sát hoạt động giáo dục của nhà trường. Thế nhưng, với học sinh, các em còn quá nhỏ cũng như không đủ tầm nhìn để có thể góp ý hay biểu quyết những chiến lược phát triển của nhà trường”. Chính vì vậy, thầy Thành cho rằng, khi đặt học sinh vào HĐT nếu thực hiện không khéo thì chính nhà trường vô tình đã đặt nặng trách nhiệm lên vai học sinh.
Cũng với băn khoăn tương tự, thầy Võ Thiện Cang – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM) cho rằng, “rất mệt và rối” trước điểm mới trong việc thành lập HĐT mà Thông tư 32 quy định. “Về cơ bản, nhìn nhận một cách thẳng thắn, việc học sinh tham gia trong HĐT là không hay chút nào. Bởi nếu như muốn đề cao trách nhiệm, vai trò của học sinh cũng như lắng nghe tiếng nói của học sinh trong sự phát triển của nhà trường thì tại các đơn vị trường trung học hiện nay đều đã được trang bị Hòm thư góp ý, đồng thời mỗi năm từng nhà trường đều tổ chức 2 lần hội nghị lãnh đạo nhà trường đối thoại trực tiếp với học sinh”.
Thầy Cang cho rằng, khi đặt ra quy định đại diện học sinh tham gia trong HĐT thì từng nhà trường cần phải làm rõ về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, quan điểm, nhận thức về các lĩnh vực trong giáo dục để chọn ra được đối tượng học sinh phù hợp “góp mặt” vào HĐT. Song song đó, các nhà trường cũng cần phải xây dựng rõ hành lang trong quyền hạn và trách nhiệm, nhiệm vụ của học sinh khi là thành viên của HĐT.
Hiệu trưởng một trường THCS (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của HĐT khi có sự tham gia của đại diện học sinh. Đại diện đơn vị này phân tích, đối tượng học sinh THCS còn quá nhỏ để có thể nhìn nhận cũng như đánh giá, góp ý một cách khách quan trước những vấn đề, quyết sách của nhà trường. “Chẳng nhẽ khi nhà trường đưa ra quyết định, phê duyệt các hoạt động, kế hoạch giáo dục mang tính chuyên môn, hay quyết định về chiến lược tầm nhìn, mục tiêu phát triển của nhà trường đều phải được thông qua đại diện học sinh, trong khi học sinh chưa có đủ tầm nhìn, ý thức và thế giới quan để có thể hiểu được những điều đó…”, vị hiệu trưởng nêu vấn đề.
Bài, ảnh: Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)