Xem phim, viết Facebook, thuyết trình, vẽ… để lấy điểm kiểm tra thường xuyên là những cách đánh giá học sinh (HS) đang được nhiều giáo viên (GV) trung học tại TP.HCM mạnh dạn áp dụng trong năm học này, theo tinh thần của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đánh giá xếp loại HS trung học triển khai từ năm học 2020-2021.
Bằng nhiều hình thức trải nghiệm trong môn học gắn với cuộc sống, học sinh sẽ được giáo viên đánh giá, ghi nhận. Trong ảnh: Học sinh một trường THPT đang thực hành lý thuyết trong phòng thí nghiệm
Những tiết học theo phương pháp đổi mới, HS được thể hiện năng lực, sự sáng tạo trong môn học và được GV ghi nhận kịp thời không chỉ động viên HS mà còn tạo ra phong trào thi đua trong mỗi lớp học; rèn luyện cho HS tính tự học, tự nghiên cứu, biến những giờ học tưởng như khô khan trở nên thú vị hơn.
Xem phim, viết Facebook… lấy điểm 15 phút
Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là câu chuyện mới. Song việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực HS, đánh giá theo quá trình phấn đấu của các em để đồng bộ với phương pháp giảng dạy thì lại chưa được triển khai thực sự hiệu quả. Nhiều GV khi áp dụng các thông tư, điều lệ mới còn có sự “run tay” do ngại đổi mới, ngại phải bước ra ngoài vùng an toàn trong cách đánh giá HS. Thế nhưng, chỉ cần chú trọng thì việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS lại có thể áp dụng bằng nhiều phương pháp, một cách linh hoạt và dễ dàng. Đơn cử, trong bài số 3: Vẽ lược đồ Việt Nam trong chương trình Địa lý lớp 12, yêu cầu của SGK đặt ra là HS biết vẽ những đường nét cơ bản thể hiện hình dáng lãnh thổ Việt Nam. Từ yêu cầu này, thầy Lê Thanh Long (GV môn địa lý Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn) đã giao nhiệm vụ cho mỗi HS trong lớp 12A1 vẽ một lược đồ Việt Nam để lấy điểm 15 phút – đây cũng là cột điểm 15 phút đầu tiên trong học kỳ I năm học này. “Thời gian HS thực hiện sản phẩm là trong 1 tuần. Các tiêu chí để GV căn cứ đánh giá sản phẩm của HS bao gồm: độ chính xác, màu sắc, thông tin, thậm chí cả sự sáng tạo trong bố cục, trình bày, thể hiện… Một tiêu chí khác quan trọng không kém đó là yêu cầu về sự trung thực của HS do đây là bài tập giao về nhà làm”, thầy Long cho biết.
Theo thầy Long, địa lý là môn học hết sức gần gũi thực tế, thế nhưng lâu nay bộ môn này vẫn còn dạy theo lối mòn, trong đó nhiều kiến thức đã không còn phù hợp với thực tiễn. Bằng chính hình thức đổi mới kiểm tra này, HS không chỉ thích thú, hào hứng hơn với môn học mà điều quan trọng là các em được tự tìm hiểu thêm những kiến thức mới ngoài SGK, được thể hiện kiến thức về mỹ thuật, công nghệ đã được học ở lớp dưới. Đó cũng là cách giáo dục HS về tình yêu với quê hương, đất nước qua những đường nét…
Tương tự, “xem phim – nêu cảm xúc – đăng Facebook” là yêu cầu trong bài tập về nhà ở môn lịch sử được thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) giao cho HS lớp 12A6 thời gian này. Yêu cầu trên nằm trong bài học về chiến tranh lạnh và được lấy điểm 15 phút. “Chiến tranh lạnh là phần kiến thức tương đối trừu tượng với nhiều thuật ngữ mà có thể ở độ tuổi và những trải nghiệm của HS lớp 12 chưa nắm hết được. Vì thế, các em được giao nhiệm vụ xem bộ phim Tae Guk – một bộ phim về chiến tranh phù hợp với nội dung bài học; sau khi xem xong, các em sẽ viết lời giới thiệu về bộ phim bao gồm: tóm tắt phim, bối cảnh lịch sử của phim, nêu cảm nhận về bộ phim và đăng trên Facebook”, thầy Du nói.
Lựa chọn hình thức xem phim, viết cảm xúc đăng Facebook để đánh giá kiến thức bài học của HS, theo thầy Du, đây là cách gần nhất để thu hút HS đến với môn lịch sử, tạo môi trường cho các em được thể hiện sự sáng tạo, khám phá và đó cũng là cách giáo dục HS cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả.
Thích ứng với chương trình giáo dục mới
Xem Thông tư 26 là cơ hội để “chuyển mình”, sẵn sàng thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở bậc trung học từ năm học 2021-2022, bắt đầu ở khối 6, cô Nguyễn Thị Bích Chi (GV môn tiếng Anh Trường THCS Vân Đồn, Q.4) dự kiến với 4 bài kiểm tra thường xuyên của năm học, cô sẽ áp dụng cho HS làm 1 bài bằng hình thức trực tuyến, 3 bài còn lại thông qua những chủ đề nhỏ trong bài học. “Các chủ đề sẽ rất gần gũi với HS, phù hợp với tâm tư, tình cảm của các em. Có thể HS sẽ được bàn về chủ đề điện thoại thông minh. Theo đó, các em sẽ vẽ điện thoại, thuyết trình bằng tiếng Anh mặt lợi, mặt hại của điện thoại thông minh và GV cho điểm. Hay HS được đánh giá năng lực qua dự án nhỏ như thiết kế truyện dân gian Việt Nam song ngữ Anh – Việt…”, cô Chi nêu ví dụ.
Cô Chi cho rằng cách đánh giá mới theo năng lực HS sẽ giúp các em được lợi, việc học cũng nhẹ nhàng hơn theo hướng ứng dụng cuộc sống. “Quan trọng vẫn là quan điểm, cách nhìn của GV về việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS. Nếu được làm một cách nghiêm túc thì môn học sẽ trở nên thú vị, không gò bó, áp đặt, đổi mới đánh giá HS cũng chính là đổi mới trong tư duy, nhận thức của GV”, cô Chi chia sẻ. Trong khi đó, thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho biết nếu tận dụng đúng, triển khai hiệu quả thì đó chính là nền tảng để mỗi GV chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, SGK mới theo hướng học chuyên đề, STEM, liên môn ở bậc THPT.
Khẳng định những thế mạnh của việc đổi mới đánh giá, kiểm tra HS, tuy nhiên, một GV toán công tác tại một trường THPT ở Q.1 lại thừa nhận rào cản mà GV “vấp” phải khi đổi mới chính là nhận thức và quan điểm của phụ huynh. “Một bộ phận phụ huynh có quan điểm rằng HS đến trường để học lấy kiến thức, lấy điểm số, để phục vụ thi cử, phục vụ việc vào ĐH thông qua điểm số. Vì thế, khi GV đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, giao cho HS những nhiệm vụ tìm hiểu bài học theo hướng thực tế, rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng con họ đang chơi. Do vậy, khi chúng ta đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá thì cần phải mạnh dạn hơn nữa trong đổi mới cách thi để có sự nhất quán, đồng bộ…”, GV này đặt vấn đề.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)