Ai cũng biết, không có Nguyễn Du thì không có Truyện Kiều. Nhưng để hiểu Truyện Kiều không thể suy ra trực tiếp từ cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du, mà trước hết phải từ “thân xác” câu chữ của Truyện Kiều. Giữa ý của Nguyễn Du, ý của văn bản Truyện Kiều và ý của người đọc không phải bao giờ cũng thống nhất, trùng nhau. Vậy cần chú ý gì về tác giả trong đọc hiểu và dạy học sinh đọc hiểu văn bản?
Gần đây GS. Trần Đình Sử và GS. La Khắc Hòa đã nêu lại vấn đề tác giả một cách tường minh và dứt khoát. Cả hai ông đều khẳng định: Cần phân biệt khái niệm tác giả và hình tượng tác giả. Tác giả là người đã sáng tác; là người bình thường. Đó là tác giả – tiểu sử, tác giả – pháp nhân. Nhưng khi sáng tạo, nhà văn tựa như “thoát xác” để trở thành một tiểu hóa công; tạo ra cả một thế giới và giữ quyền sinh quyền sát với cái nhân loại do mình tạo ra. Đó gọi là tác giả – người sáng tạo. Còn hình tượng tác giả cũng là tác giả, nhưng là “người khác” do tiểu hóa công tạo ra. Chỉ cần viết vài bài thơ văn, bất luận hay dở thế nào, người viết lập tức thành tác giả. Nhưng có người viết cả đời, viết rất nhiều mà vẫn không tạo ra được hình tượng tác giả. Tác giả đứng ngoài văn bản, còn hình tượng tác giả thì tồn tại trong văn bản – tác phẩm. Tác giả là người có thật, bằng xương bằng thịt. Hình tượng tác giả lại là hiện tượng tinh thần, khi tác phẩm chưa được “đọc”, nó chỉ là một hệ thống ký hiệu. “Ở Việt Nam, khái niệm tác giả đã bị huyền thoại hóa, thần thánh hóa, tuyệt đối hóa”. Ông cho rằng “nên giảm tông huyền thoại hóa tác giả để nâng cao vị thế người đọc. Trong văn học, tiểu sử tác giả không có ý nghĩa gì nhiều…” (GS. Trần Đình Sử).
Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến trên và xin góp thêm đôi lời: Thứ nhất, giáo viên không nên mất quá nhiều thời gian vào mục tiểu dẫn trong SGK, càng không nên khai thác quá sâu vào đời tư, tiểu sử tác giả… Những nội dung đó nên yêu cầu học sinh đọc ở nhà, tự tìm hiểu. Tất cả đều đã có sẵn trên Google. Nên dạy cho học sinh cách thu thập, lựa chọn hơn là cung cấp thông tin. Trên lớp, giáo viên chỉ cần hỏi và lưu ý những thông tin về tác giả có ý nghĩa, giúp hiểu văn bản hơn. Thường là cần chú ý: 1) bối cảnh văn hóa – xã hội thời đại nhà văn sống; 2) một số yếu tố chi phối đề tài, cảm hứng và phong cách sáng tác của tác giả… Nhưng ngay cả các chi tiết vừa nêu cũng chỉ chú ý khi chúng giúp soi sáng, để hiểu văn bản hơn; còn nếu không thì cũng thôi, không cần dạy. Thứ hai, giáo viên cần phân biệt các khái niệm về tác giả như trên, nhưng khi dạy đọc hiểu văn bản cụ thể đừng sa đà vào trang bị cho học sinh những khái niệm chuyên sâu ấy, nhất là khái niệm hình tượng tác giả, lên đại học các em sẽ học. Thứ ba, hãy dành nhiều thời gian giúp học sinh tập trung vào những tín hiệu quan trọng và giàu ý nghĩa của văn bản. Từ câu chữ, hình thức, kết hợp với tri thức và vốn sống của mình để đọc ra ý nghĩa, thông điệp nổi, chìm trong văn bản. Tự đối chiếu, đối thoại với ý nghĩa ấy mà hiểu bản thân hơn, mà điều chỉnh cách sống của chính mình.
Tác giả văn học lớn hay nhỏ, có đáng nhớ, đáng trọng hay không là nhờ vào văn bản – tác phẩm chứ không phải ở mấy dòng tiểu sử; càng không phải do người viết có chức tước và nhiều huân, huy chương các loại…
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)