Môn giáo dục công dân (GDCD) tưởng chừng khô khan, nhàm chán, thế nhưng cô Nguyễn Thị Thúy – giáo viên Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã thổi hồn vào đó khiến học sinh rất thích thú…
Cô Nguyễn Thị Thúy (GV Trường THPT Cẩm Bình, Hà Tĩnh) luôn tạo lực hút học sinh từ những tiết dạy học GDCD thú vị
Cô Thúy GDCD! Đó là tên gọi trìu mến nhiều học sinh Trường THPT Cẩm Bình dành cho cô giáo Thúy khi nhắc đến cô. Trước đây, GDCD được xem là môn học khô khan với những câu hỏi, tình huống liên quan đến ứng xử trong cuộc sống, luật pháp… khiến nhiều học sinh tỏ ra uể oải. Nhận thấy điều đó, là một giáo viên bộ môn, cô Thúy không khỏi chạnh lòng, trăn trở. Từ đó, cô nghiên cứu tìm phương pháp dạy mới. Cô đưa ra những bài giảng thiên về rèn luyện kỹ năng và thái độ của học sinh. Cụ thể, cô xây dựng câu chuyện tập trung vào nhân vật trung tâm là học sinh để các em xử lý tình huống trong đó. Bên cạnh đó, cô lồng ghép nhằm thêm “gia vị” cho từng nội dung bài giảng để học sinh dễ nhớ, nhớ lâu hơn. “Tất cả những tình huống tôi xây dựng đều liên quan đến một điều gì đó trong thực tế cuộc sống. Đó có thể là câu chuyện của một người bạn, của người thân, hoặc là câu chuyện tôi gặp trên đường, chuyện của bản thân mình…, ứng dụng một cách nhuần nhuyễn sao cho các em thấy ý nghĩa và thấm thía được ý nghĩa mà tôi rút ra từ mỗi câu chuyện đó”, cô Thúy nói.
Nghiêm túc trong từng bài giảng nhưng cô Thúy vẫn luôn là một giáo viên có tính hài hước, dí dỏm và pha trò đúng lúc để tạo sự cuốn hút, gần gũi với học sinh. “Lợi thế của bộ môn GDCD chính là thông qua bài kiểm tra, tôi có thể nắm được tâm lý của học sinh. Từ những tình huống đó, tôi nắm bắt được tâm tư từng em và có giải pháp tiếp cận, giúp các em tháo gỡ, vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống”, cô Thúy chia sẻ. Nhiều em qua sự nắm bắt tâm tư và hỗ trợ kịp thời của cô Thúy đã trở thành học sinh ngoan. Cô Thúy kể: “Cách đây tầm 8 năm về trước, hồi đó GDCD còn là môn “phụ”, nhưng tôi đã luôn nỗ lực trong từng bài giảng. Cũng chính nhờ đó, có một học sinh tên K. rất ngỗ nghịch, luôn quậy phá trong giờ học, tôi đã tìm hiểu, thậm chí là viết thư riêng để động viên em. Sau đó em đã thay đổi hoàn toàn thái độ với môn học và các môn khác cũng như trong ứng xử với bạn bè”. Chính K. sau này đã viết những dòng tâm sự trên fanpage do chính học sinh của cô Thúy lập: “Em bây giờ không còn là con bé ngỗ nghịch khiến cô Thúy phải để ý ngay từ lần đầu tiên bước vào lớp nhận công tác chủ nhiệm, cũng không còn những lá thư tay cô tâm tư khuyên nhủ hay cuốn sổ liên lạc bét nhè màu mực đỏ…”. K. đã trưởng thành và luôn nghĩ về ân tình của cô Thúy như người nâng bước đầu đời. Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà cô Thúy đã thành công trong phương pháp giảng dạy của mình suốt 20 năm qua.
Nghiêm túc trong từng bài giảng nhưng cô Thúy vẫn luôn là một giáo viên có tính hài hước, dí dỏm và pha trò đúng lúc để tạo sự cuốn hút, gần gũi với học sinh. |
Tận tâm với từng học sinh, với từng bài giảng, nhưng ít ai biết cô Thúy là tấm gương nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Gần 20 năm đứng trên bục giảng cũng ngần ấy thời gian cô phải chống chọi với hội chứng thận hư. Cô Thúy kể: “Hồi ấy, sau một đêm ngủ dậy tôi thấy mắt mình tự dưng bị sưng húp, người phù nề. Sau đó tôi được các bác sĩ chẩn đoán viêm cầu thận cấp. Tôi trải qua một đợt điều trị khá dài, nhưng chỉ sau 2 năm bệnh tái phát và nặng hơn. Tôi vừa đến trường giảng dạy vừa phải điều trị bằng thuốc. Từ đó đến nay vì tác dụng phụ của thuốc nên có nhiều biến chứng khá nặng nề như loãng xương, đau dạ dày…”.
“Có đợt tôi vào bệnh viện điều trị 19 ngày thì ngần ấy thời gian 19 giáo viên trong trường thay nhau lên bệnh viện chăm sóc, cơm nước cho tôi và các con tôi. Các đồng nghiệp, phụ huynh học sinh còn quyên góp đóng tiền thuốc, tiền viện phí cho tôi. Tấm chân tình ấy tôi nhớ mãi và cố gắng mỗi ngày để đền đáp ơn nghĩa đó”, cô Thúy xúc động nói.
Bệnh tật dường như không đẩy lùi được tinh thần lạc quan của cô Thúy. Nụ cười tươi vẫn luôn nở trên môi mỗi ngày cô thức dậy, đến trường. Ngoài giảng dạy, cô Thúy còn tham gia nhiều công tác khác trong trường và luôn đạt thành tích cao. Năm học 1998-1999, cô Thúy vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh, từng 5 năm liên tục có sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4/4 cấp sở; điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện. Từ năm 2008 đến nay, cô là Tổ trưởng chuyên môn Tổ sử – GDCD…
Nói về cô Thúy, ông Nguyễn Văn Quang (Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình) chia sẻ: “Cô Thúy dù không may mắn bị bệnh nhưng vẫn luôn là tấm gương đầy lạc quan, yêu đời. Niềm lạc quan ấy lan tỏa đến cả đồng nghiệp và học sinh, truyền lửa cho học sinh vươn lên trong học tập, cuộc sống”.
Vĩnh Yên – Phương Hồ
Bình luận (0)