Chọn học hệ bậc nào không quan trọng, quan trọng là ở năng lực bản thân. Nếu các em học ĐH nhưng không có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ làm việc không tốt… thì sẽ không bao giờ thành công. Nhưng ngược lại, các em sẽ được nhà tuyển dụng săn đón.
ThS. Nguyễn Tiến Hùng (giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Bình Tân
Đây là nhận định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Bình Tân (Q.Bình Tân) vừa qua. Chương trình có sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cùng nhiều đơn vị khác.
Nói về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) thông tin: Khác với những năm trước, 2019 sẽ có sự thay đổi trong cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT quốc gia. Cụ thể tăng tỉ lệ điểm thi THPT quốc gia lên 70%, 30% còn lại dựa vào điểm lớp 12. Ở kỳ thi này, học sinh phải trải qua 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi bắt buộc và 2 bài thi tự chọn ở tổ hợp môn tự nhiên và xã hội. Với tỉ lệ này, số lượng học sinh thi đậu tốt nghiệp năm nay sẽ giảm khoảng 8%. Tuy nhiên, nếu các em cố gắng hết mình chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt nhất.
Về phương thức xét tuyển, ông Cường cho biết: Các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như: Sử dụng kết quả điểm thi THPT quốc gia; tuyển thẳng học sinh giỏi; sử dụng điểm học bạ; áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực. Đặc biệt năm 2019, một số trường sẽ dùng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. “Với nhiều phương thức như vậy, cơ hội đậu vào các trường ĐH là rất cao. Tuy nhiên, các em nên cân nhắc kỹ lưỡng để chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với bản thân, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Nếu chúng ta không có năng lực học ĐH thì có thể đi theo con đường TC, CĐ. Học hệ bậc nào không quan trọng miễn là khi ra trường có được việc làm như ý là được” – ông Cường khuyên nhủ.
Để học sinh có được sự lựa chọn đúng đắn nhất cho tương lai, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn hướng dẫn: Ở thời điểm này, các em hãy gác lại việc chọn trường, chọn ngành. Thay vào đó, chúng ta hãy tập trung vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để có được một kết quả tốt. Sau khi có kết quả của kỳ thi, một lần nữa nhìn lại bản thân xem mình thích gì, phù hợp với ngành nào, chọn ngành xong mới chọn trường, chọn hệ bậc học phù hợp rồi nộp hồ sơ xét tuyển. Việc này giúp các em tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. “Có những em không định hướng được nghề nghiệp từ ban đầu nên học được 1-2 năm rồi nghỉ để xét tuyển vào ngành khác, trường khác gây lãng phí rất nhiều công sức. Vì vậy, trước việc này các em phải suy nghĩ chọn lựa ngành nghề cho cẩn thận” – ông Toàn nhắn nhủ.
Theo chuyên gia Vũ Thiện Toàn, hiện cả nước có trên 1.000 ngành học với hơn 40.000 ngành nghề khác nhau. Vì vậy, học sinh thỏa sức tìm cho mình một ngành nghề phù hợp. Nếu bản thân chúng ta thích, giỏi một ngành nào đó mà điều kiện kinh tế gia đình không cho phép thì có thể chọn những ngành học có liên quan. Lưu ý, đừng vì áp lực hay danh vọng mà chọn “đại” ngành nghề. Điều này không chỉ làm khó bản thân, vất vả trong quá trình học mà còn khiến chúng ta dễ dàng thất bại.
Trước những tư vấn, chia sẻ của các chuyên gia về kỳ thi THPT quốc gia và việc chọn trường, chọn nghề, học sinh Lê Hồng Nhi (12A11) băn khoăn: “Em học yếu môn tiếng Anh nhưng muốn học ở Trường ĐH Kinh tế Tài chính được không?”. Đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM giải đáp: ĐH Kinh tế Tài chính là trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, sinh viên sẽ được học 50% kiến thức bằng tiếng Anh. Dù vậy nhưng trường không đặt chuẩn đầu vào bằng tiếng Anh. Việc này đồng nghĩa là các em yếu ngoại ngữ này vẫn có cơ hội xét tuyển vào trường. Sau khi thí sinh đậu, trường sẽ dạy lớp tiếng Anh miễn phí để lấy lại kiến thức cho các em rồi mới bắt tay vào dạy những môn chuyên ngành. Bên cạnh đó, trường cũng có nhiều câu lạc bộ để cho sinh viên tham gia và cải thiện tiếng Anh rất hiệu quả. Nếu cố gắng, các em sẽ học thành công bậc học mà mình chọn.
“Học CĐ cơ hội nghề nghiệp của ngành du lịch có như ĐH không? Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Yến Oanh (12A7), ThS. Nguyễn Văn Định (Trưởng khoa Nhà hàng khách sạn, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) khẳng định: Bậc học không quan trọng mà quan trọng là ở năng lực bản thân. Nếu bản thân chúng ta hội tụ đủ 4 yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ và thói quen thì dù học TC, CĐ hay ĐH cũng được nhà tuyển dụng săn đón. Đối với Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, những em theo học ngành du lịch ngoài việc được học lý thuyết còn được thực hành, cọ xát với thực tế. Sau khi ra trường, các em muốn học cao hơn thì có thể liên thông lên bậc ĐH rất dễ dàng.
Tại chương trình, học sinh cũng quan tâm đến ngành marketing hiện nay. Em Lâm Ái Vân (12A10) hỏi: “Em giỏi môn sử, địa, giáo dục công dân thì có thể học ngành marketing tại Trường ĐH Hoa Sen được không?”. Đại diện nhà trường, ThS. Nguyễn Ngọc Tú trả lời: “Muốn theo ngành này, bản thân chúng ta phải năng động, nhạy bén trong quá trình làm việc. Nếu giỏi tiếng Anh thì càng tốt. Tuy nhiên, nói như vậy có nghĩa là những bạn không có những khiếu đó không học được. Trong quá trình học tập tại trường, các em có nhiều cơ hội thay đổi mình như tham gia vào các câu lạc bộ, phong trào của trường để rèn luyện bản thân. Ngoài ra, học ở Trường ĐH Hoa Sen, các em còn có cơ hội đi thực tập tại các công ty uy tín. Nếu thấy phù hợp các em có thể xin ở lại làm. Tuy nhiên việc này còn phù hợp vào nhu cầu của công ty, năng lực bản thân”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)