Bên cạnh những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019 cùng phương thức xét tuyển của nhiều trường ĐH, trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 tổ chức tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) vừa qua, các chuyên gia còn bật mí tới học sinh nhiều thông tin hữu ích để có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Một học sinh nữ đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, cùng sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM…
ĐHQG TP.HCM tổ chức thi năng lực vào tháng 3 và tháng 7
Đề cập đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM trong mùa tuyển sinh năm 2019, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết năm nay ĐHQG TP.HCM sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực vào ngày 31-3 và ngày 7-7 (sau kỳ thi THPT quốc gia). Với phương thức này, các trường thành viên sẽ dành 25-40% chỉ tiêu xét tuyển. Bài thi trong kỳ thi đánh giá năng lực, theo TS. Mai sẽ là bài thi hỗn hợp theo hình thức trắc nghiệm không phân biệt môn thi với 120 câu hỏi chia làm 3 phần: Ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. “Đây là một hình thức hoàn toàn độc lập ngoài các phương thức tuyển sinh khác để học sinh thử sức bản thân. Các em có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường thành viên, từ đó giúp các em có thêm cơ hội đậu vào ĐHQG TP.HCM”, TS. Mai chia sẻ.
Trong khi đó, ThS. Lê Ngọc Thắng (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) mang đến chương trình thông tin đáng chú ý của trường trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, năm 2019 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ tuyển 3.000 chỉ tiêu bao gồm tất cả các ngành đào tạo, cùng chương trình liên kết quốc tế. Ở chương trình liên kết quốc tế được trường liên kết với ĐH của Anh, ThS. Thắng cho hay học sinh sẽ học 4 năm tại Việt Nam. Trong đó, giai đoạn đầu sẽ được học với giảng viên của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, giai đoạn sau sẽ được học trực tiếp với giảng viên ĐH bên Anh. Với chương trình học này, khi ra trường học sinh sẽ được cấp hai bằng ĐH của Việt Nam và quốc tế.
Nhiều hướng đi đón đầu cuộc CMCN 4.0
Trước băn khoăn của nhiều học sinh về ngành thuật toán và khoa học máy tính, bà Nguyễn Hoàng Bích Vy (đại diện Trường ĐH FPT) chia sẻ đây là ngành “rất thích ứng” trong thời đại cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, theo bà Vy, để phát triển sâu hơn và có nhiều hướng đi sau khi ra trường thì trong ngành này, người học nên lựa chọn học ngành CNTT.
Điểm mới đối với ngành này tại Trường ĐH FPT, theo bà Vy là giáo trình học được nhập khẩu 100% từ nước ngoài, sinh viên được học 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. “Ưu thế về ngoại ngữ giúp người học trang bị đầy đủ những kỹ năng để hội nhập, cạnh tranh với nguồn nhân lực nước ngoài”, bà Vy nói.
Trong mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH FPT sẽ sử dụng song song 3 phương thức xét tuyển: Điểm thi THPT quốc gia trên 21 điểm; học bạ trung bình 2 học kỳ gần nhất (học kỳ 2 năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 hoặc 2 học kỳ lớp 12) trên 7; điểm kỳ thi riêng tổ chức vào ngày 12-5.
Đặc biệt, theo bà Vy, kỳ thi riêng tại Trường ĐH FPT sẽ không kiểm tra kiến thức về toán, lý, hóa mà kiểm tra chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc của các thí sinh. “Điều này giúp nhà trường và ngay cả bản thân các em sẽ nhận ra xem mình có phù hợp với môi trường học tập tại trường và ngành mình lựa chọn hay không”, bà Vy nhấn mạnh.
Vẫn học tập 100% bằng tiếng Anh nhưng đại diện Trường ĐH Việt Đức, ThS. Nguyễn Hoàng Thiên Thư lại mang đến một trải nghiệm học tập hoàn toàn mới trong ngành CNTT tại trường. Theo đó, Trường ĐH Việt Đức là ĐH công lập được hợp tác từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức, đào tạo ở hai khối ngành kỹ thuật và tài chính. Năm 2019, Trường ĐH Việt Đức sẽ tuyển sinh bằng nhiều hình thức: Điểm thi THPT quốc gia 2019; tuyển thẳng với những học sinh đạt giải I, II, III trong kỳ thi Olympic quốc gia hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia; kỳ thi riêng của trường với bài thi do ĐH bên Đức thiết kế để kiểm tra kiến thức thí sinh có phù hợp với ngành học hay không.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM tư vấn cho HS Trường THPT Bùi Thị Xuân
Tương tự, ở ngành CNTT, năm 2019 Trường ĐH Hoa Sen có tới 4 phương thức xét tuyển: điểm thi THPT quốc gia; điểm học bạ; tổ hợp 3 môn học bạ và phương thức riêng của từng ngành. Theo ThS. Nguyễn Phượng Hoàng (đại diện Trường ĐH Hoa Sen), ngành CNTT chính là xu hướng trong cuộc CMCN 4.0, trang bị cho người học những kiến thức cần thiết để thích ứng trước những thay đổi của thời đại. “Hẹp và sâu hơn ngành CNTT có ngành kỹ thuật phần mềm. Ngành học này cho phép người học thiết kế được những phần mềm ứng dụng trong cuộc sống, có thể ứng dụng ngay trên điện thoại…”, ThS. Hoàng bật mí.
Ngoài ra, về các ngành học thích ứng trong cuộc CMCN 4.0, GS.TS Trần Mạnh Hà (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng) bật mí, người học có thể lựa chọn ngành an toàn thông tin hay logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Thay đổi tư duy để thành công
Để có thể bước vào kỳ thi THPT quốc gia một cách thành công, lời khuyên được chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An đưa ra là “hãy thay đổi tư duy và giữ gìn sức khỏe”. “Cơ hội là chia đều cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là cách các em nắm bắt cơ hội như thế nào”, ông An cho biết.
Theo ông An, muốn nắm bắt được cơ hội thì người học cần phải lưu ý 3 yếu tố: sức khỏe, tâm lý và kiến thức. “Hãy đối diện với kỳ thi bằng sự tự tin để có một phương pháp học tập hiệu quả, phù hợp, một sức khỏe ổn định. Đừng học cá nhân mà hãy học bằng cách chia sẻ với bạn bè. Cũng đừng nên quá quan trọng với điểm số mà hãy biết mình phù hợp với lĩnh vực nào để thật sự cố gắng”, ông An nhắn nhủ.
Yến Hoa
Bình luận (0)