Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng”. Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức chiều 16-1.
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết: “Tiêm chủng là đưa vào cơ thể một lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Sau khi có kháng thể, nếu gặp virus gây bệnh, cơ thể đã có sẵn miễn dịch chủ động, kháng lại virus gây bệnh. Quá trình đưa kháng nguyên vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể chắc chắn sẽ tạo ra phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Đối với người càng khỏe mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt; còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Do đó, trẻ có một số biểu hiện sưng đỏ, sốt, quấy khóc… sau tiêm là những phản ứng thông thường”.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, tại Việt Nam, trung bình một ngày có từ 20 đến 30 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân như sặc sữa, viêm phổi, suy hô hấp, chèn ép đường thở khi ngủ, hoặc tử vong không rõ nguyên nhân… Nhiều trường hợp có thể trùng hợp ngẫu nhiên ở thời gian sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, một số tình huống tiêm chủng cũng chưa thật sự an toàn do cơ thể của trẻ quá mẫn cảm. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngành y tế đang nỗ lực hoàn thiện phác đồ tiêm chủng dựa trên những tình huống thực tế. Ngoài ra, khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt, phát hiện nguy cơ và đưa trẻ đến BV để được can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho trẻ.
“Đối với quá trình tiêm chủng, quan trọng nhất là xử lý phản ứng sau tiêm chủng. Những trường hợp trẻ có phản ứng sốt, sưng đau sau tiêm chủng, cần được theo dõi chặt, không hoang mang, không quá căng thẳng nhưng cũng không được chủ quan. Để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vắc-xin, trong thời gian tới ngành y tế sẽ tập huấn cho toàn bộ cán bộ nhân viên y tế liên quan, xử lý sốc triệt để theo quy định ban hành. Đặc biệt, cán bộ y tế cần tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ, tiền sử bệnh thật, tiền sử dị ứng gia đình”, bà Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Phụ huynh cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. Sau khi tiêm, phụ huynh phải để trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi, kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Sau khi về nhà, phụ huynh tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên trong vòng 1-2 ngày, thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện bất thường như: sốt cao từ 39 độ C trở lên, bỏ bú, bú kém, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, mệt lả, li bì… để được khám và điều trị kịp thời.
Dương Thương
Bình luận (0)