Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đất và người trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Tác phm ca Nguyn Quang Sáng giàu phong v dân gian mà vn hin đi. Tính cht s thi th hin qua hin thc cuc sng, cuc đu tranh ca nhân dân trên vùng đt min Nam.

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Quang Sáng đã làm nổi bật vẻ đẹp của con người Nam bộ. Họ mang tầm vóc của một anh hùng, kết tinh sức mạnh của cộng đồng như: cô giao liên Thu (Chiếc lược ngà); chị xã đội trưởng Dung (Chị xã đội trưởng); chị Nhung (Chị Nhung) với mưu trí dày dặn kinh nghiệm, tự tin đối phó với kẻ thù; Sa Rết (Nàng Sa Rết) kiên cường bảo vệ bí mật cách mạng; em gái nhỏ (Quán rượu người câm); hay những bác nông dân can trường, nghĩa khí gác bỏ tình riêng (Ông Năm Hạng), ông Ba Đạt (Người quê hương)…

Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng có chiều sâu tâm lý, trạng thái cảm xúc, diện mạo tương đối rõ nét đủ cho người đọc có thể nhận ra đặc điểm của nhân vật. Trong các truyện ngắn sáng tác trước 1975, Nguyễn Quang Sáng đã khái quát hiện thực chủ yếu qua những hình tượng nhân vật vừa mang những nét cá tính độc đáo của bản thân, vừa mang những nét riêng của con người Nam bộ. Đó là tính cách bộc trực, phóng khoáng, lạc quan yêu đời, giàu niềm tin ở cuộc sống và kiên định, bất khuất giàu nghĩa khí trong đấu tranh. Ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng tỏ ra rất sắc sảo trong việc miêu tả nhân vật, đặc biệt miêu tả chân dung nhân vật, một loạt hình ảnh của nhiều lớp người khác nhau xuất hiện và lớn lên trong cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam: những thanh thiếu niên nhanh chóng trưởng thành trong cuộc kháng chiến (Mì, Thu, Nhung, Dung); những người chiến sĩ cách mạng, cán bộ cơ sở chịu nhiều mất mát nhưng một lòng vẫn hướng về cách mạng (Ba Hoành, ông Năm Hạng); những con người quần chúng căm thù giặc sâu sắc, gắn bó với đời sống kháng chiến (mẹ của Mì, chị Bảy, anh Bảy Ngàn). Tác giả đã nêu bật tính chất quần chúng trong cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam, tô đậm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua việc khắc họa những đặc điểm chân dung nhân vật thể hiện sự lạc quan yêu đời. Các chi tiết ánh mắt, nụ cười gợi lên sự hình dung về dáng vẻ nhân vật, kể cả tâm tính, bản chất bên trong nhân vật; sự lạc quan yêu đời thể hiện khi đối mặt với những khó khăn của bom đạn, với kẻ thù nguy hiểm nhưng khuôn mặt vẫn rạng rỡ nụ cười, ánh mắt luôn tràn đầy niềm tin hy vọng. Trong Nguyễn Quang Sáng (2001), nhân vật Bảy Quyên (Tên của đứa con) vốn ít cười nhưng cuối cùng cũng cười – nụ cười ánh lên niềm tin yêu hy vọng: “Trước sau gì cũng có ngày trời quang đãng, cái nỗi oan của mẹ con tôi, của gia đình chị Ba Phấn là điều bí ẩn của vợ chồng tôi sẽ sáng ra” (tr.250). Bên cạnh đó, nhà văn cũng đã miêu tả nội tâm họ qua lời độc thoại bằng các từ ngữ trực tiếp tái hiện cảm xúc như: “nghĩ thầm”, “thường nghĩ”, “tự an ủi”, “phân vân”… Nhà văn còn tái hiện dòng ý thức tự nhiên của nhân vật để cho chúng ta thấy được sự vận động, phát triển tâm lý và tính cách của họ. Trong miêu tả nội tâm, nhà văn sử dụng lời nửa trực tiếp để vừa thể hiện thế giới bên trong của nhân vật, vừa thể hiện sự đồng cảm, cách nhìn của mình đối với nó.

Nhà văn Nguyn Quang Sáng (còn có bút danh là Nguyn Sáng), sinh ngày 12-1-1932 ti xã M Luông (nay là th trn M Luông), huyn Ch Mi, tnh An Giang. Ông mt ngày 13-2-2014 ti TP.HCM. Nhà văn Nguyn Quang Sáng là hi viên Hi Nhà văn Vit Nam t năm 1957; ông gi chc Ch tch Hi Nhà văn TP.HCM các khóa l, 2, 3…

Truyện của Nguyễn Quang Sáng có hai loại tình huống nổi bật là tình huống kịch và tình huống luận đề. Tác giả đã tạo ra những tình huống căng thẳng để nhân vật thể hiện, dấn thân, đối phó với nó và buộc phải hành động để chuyển đổi hoàn cảnh. Các tình huống đầy kịch tính được tổ chức thành những lớp đan cài nhau, cứ thế xung đột càng lúc càng thêm gay gắt, quyết liệt, dẫn tới cao trào, đỉnh điểm. Trong chuyện Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Chị xã đội trưởng…, tác giả đã sáng tạo được những tình huống giàu ý nghĩa thẩm mỹ, nói lên chiều sâu tư tưởng, khả năng nắm bắt vấn đề nhạy cảm của nhà văn trong cuộc sống chiến đấu, chứa đựng bao điều kỳ diệu của con người. Theo Nguyễn Quang Sáng (1975), truyện Chiếc lược ngà diễn tả tình huống đầy éo le, cảm động và thấm đẫm tình người: người cha từ chiến trường về thăm gia đình mong ước được gặp đứa con gái anh chưa từng thấy mặt, nhưng khi gặp, đứa con gái ấy đã không nhận anh là cha. Tình huống éo le đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng, hành động của hai cha con. Anh Sáu với tình yêu thương con chỉ thèm khát một tiếng gọi “ba” nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. Anh nhận được con từ những vết cắn hằn sâu những dấu răng. Anh nhìn con với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, “khổ tâm đến nỗi không khóc được” (tr.33). Ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng đã diễn tả sâu sắc diễn biến tâm lý của cả hai cha con. Đặc biệt là bé Thu, từ một cô bé có tính cách bướng bỉnh, ngang ngạnh đến cô bé giàu tình cảm khi nhận ra vết thẹo trên mặt ba là do Tây bắn, thì bao tình cảm dồn nén bấy lâu đã vỡ òa ra thành tiếng gọi “ba” đau xé trước lúc chia tay. Cách xây dựng tình huống truyện của nhà văn khéo léo ở chỗ đưa tình huống trở thành những xung đột, tạo tiền đề cho cốt truyện phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ và thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.

Ngôn ngữ trần thuật trong sáng tác của Nguyễn Quang Sáng mang đậm tính chất hiện thực qua những quan sát tinh tế, miêu tả hình ảnh vừa gần gũi với con người, vừa mang tính chất tượng trưng. Ngôn ngữ này thể hiện thái độ ngợi ca qua cách dùng từ xưng hô, gọi tên nhân vật để tập trung khắc họa vẻ đẹp tinh thần con người Nam bộ, kiên cường anh dũng trong đấu tranh, thủy chung, nhân hậu, lạc quan trong cuộc sống, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Trong Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng vừa gọi “cô giao liên”, vừa gọi “cô” để bộc lộ cách cảm nhận của người kể chuyện, gọi tên nhân vật nhiều lần để tô đậm thêm sự gần gũi, nhấn mạnh vẻ đẹp bình dị từ ngoại hình đến tính cách nhân vật. Chiếc lược ngà được kể lại qua dòng hồi tưởng của người kể chuyện là người cán bộ già trực tiếp chứng kiến câu chuyện, lời kể dưới dạng hồi tưởng để tô đậm không khí hiện thực và trữ tình của truyện. Vì vậy, việc xáo trộn thời gian trong quá khứ và hiện thực cứ đan xen nhau từ hiện thực liên tưởng đến quá khứ, khi gần khi xa.

Ngôn ngữ nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Quang Sáng mang đậm màu sắc Nam bộ, gắn liền với việc vận dụng ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái thân mật; ngôn ngữ lời thoại của nhân vật ngắn gọn, hàm súc thể hiện rõ hành động, tính cách nhân vật; câu văn, lời văn rõ ràng, chặt chẽ. Trong Tên của đứa con trần thuật về những chuyện đau lòng của một người vợ chịu tiếng oan; Quán rượu người câm thể hiện giây phút căng thẳng, lựa chọn giữa chết vinh hay sống nhục; Ông Năm Hạng thể hiện tấm lòng yêu nước sâu sắc qua từng câu văn, lời nói của nhân vật ông Hạng; Chị xã đội trưởng ngợi ca vẻ đẹp của chị Dung hết lòng vì lý tưởng cách mạng qua giọng kể đầy tự hào của cô giao liên Ánh…

ThS. Nguyn Ngc Phú
(Trưng ĐH Đng Tháp)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)