So với các môn học khác, bộ môn ngữ văn có nhiều lợi thế khi bài học được vận dụng phương pháp trải nghiệm sáng tạo và tích hợp liên môn. Đó chính là tiết học sinh động, bổ ích “Ôn tập văn học dân gian” do cô Trần Thị Bé (giáo viên Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM) thực hiện mới đây tại lớp 6TC3.
Các em học sinh diễn tiểu phẩm Sơn Tinh – Thủy Tinh, đưa người xem trở về khung cảnh kén rể của vua Hùng thứ 18
So với các giờ học khác, tiết học trên có nhiều điểm cộng hơn khi giáo viên bộ môn đã lấy trải nghiệm sáng tạo và tích hợp liên môn làm phương pháp dẫn đường.
Sân chơi trải nghiệm thiết thực
Theo phân phối chương trình, văn học dân gian chiếm một thời lượng không nhỏ của chương trình ngữ văn ở trường THCS và là kho tàng văn học rộng lớn, phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Nhiều giáo viên bộ môn đứng lớp đã chia sẻ, với thời lượng trên lớp người giáo viên khó thể nói hết cái hay, cái đẹp của văn học dân gian. Chính hoạt động trải nghiệm sáng tạo thông qua chủ đề “Văn học dân gian” giúp người học nâng cao hiểu biết về nội dung này, hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tham gia và tổ chức hoạt động tập thể cho học sinh. Hoạt động đó còn bồi dưỡng đắc lực năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, giao tiếp, hợp tác cho học sinh. Đây cũng là con đường đi ngắn nhất để các em được bồi dưỡng thái độ tôn trọng các giá trị văn hóa của dân tộc, biết yêu thương con người, có cách sống, thái độ sống đúng đắn, có sự rung cảm trước tác phẩm văn học.
Trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn ngữ văn là một hoạt động ngay trong lớp vô cùng cần thiết và bổ ích. Qua trải nghiệm này, học sinh sẽ tiếp cận được những vẻ đẹp lung linh của thể loại văn học dân gian. Đặc biệt, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm thông qua hình thức sân khấu đã tiếp sức cho các tác phẩm văn học được hồi sinh trong môi trường diễn xướng, làm sáng lên những vẻ đẹp hoàn mỹ của tác phẩm văn học dân gian mà do hạn chế về thời gian cũng như những điều kiện khác giờ học trên lớp khó có thể mang lại. Hoạt động này còn mang đến người học một sân chơi bổ ích, lành mạnh, từ đó giáo dục cho các em niềm tự hào về vẻ đẹp văn hóa của dân tộc và niềm say mê bộ môn ngữ văn.
Mặc dù ngay từ khi vào bài, trong phần Khởi động, giáo viên bộ môn không sử dụng phương pháp thuyết trình hay thảo luận nhóm nhưng dưới sự điều khiển của hai học sinh (Nguyễn Ngọc Quỳnh Như và Trần Ngọc Yến Nhi), các kiến thức về 4 thể loại văn học dân gian gồm truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười mà các em đã học lại được tái hiện một cách sinh động bằng trò chơi kết cột. Dù dẫn chương trình còn vụng về nhưng do cách diễn đạt lưu loát và đặc biệt là biết làm chủ bục giảng, hai học sinh đã vào vai “cô giáo” rất ngọt.
Mở rộng phát triển năng lực người học
Những kiến thức căn bản trên một lần nữa được khắc ghi từ kênh chữ trên màn hình trình chiếu và yêu cầu đọc lại của đại diện 4 nhóm. Đối với học sinh lớp 6, các đồ dùng trực quan sinh động luôn có tác động mạnh trong giờ học vì tư duy hình tượng của các em còn hạn chế. Đó cũng là lý do giáo viên bộ môn đưa ra rất nhiều hình ảnh để học sinh đi tìm những câu trả lời đúng nhất như hình ảnh con Rồng cháu Tiên, hình ảnh người nông dân đánh cá, người thiếu nữ miền núi… để đi đến kết luận bài học: “Dù người miền xuôi hay miền núi, tất cả đồng bào ta đều là con một nhà cùng một nòi giống tổ tiên”. Sự tích Hồ Gươm, bánh chưng bánh dầy, truyền thuyết Thánh Gióng sau đó cũng được đại diện các nhóm trình bày thông qua hình ảnh gợi ý đầy màu sắc và sinh động trên màn hình trình chiếu. Giáo án ôn tập của giáo viên bộ môn đến đây không chỉ dừng lại những hình ảnh bất động mà nâng lên cấp độ cao hơn là có 1 video clip về truyền thuyết Thánh Gióng. Từ không khí trầm lắng, giờ học bắt đầu sôi nổi hẳn lên khi học sinh được xem những hình ảnh của bộ phim hoạt hình nói về cuộc đời Thánh Gióng từ lúc sinh ra đến lúc đánh xong giặc ngoại xâm. Trường đoạn Thánh Gióng uy nghiêm cưỡi ngựa sắt bay về trời là một hình ảnh đẹp lãng mạn để lại trong lòng người xem niềm tự hào và tinh thần tự cường dân tộc. Đây là bài học lịch sử, bài học về đạo đức được học sinh tiếp nhận qua giờ ngữ văn một cách tự nhiên và giản dị.
Chỉ qua một tiết học ôn tập, những giá trị văn chương đã bắt đầu đi vào cuộc sống thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong lớp. Rõ ràng hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã minh chứng được chân lý: “Văn học là nhân học” và trở thành cầu nối bền vững giữa trang sách với cuộc đời. |
Mở đầu cho màn sân khấu hóa truyện dân gian, nhóm của Minh Khang, Hoàng Mai, Quốc Cường, Minh Tiến đã đưa lên bục giảng tiểu phẩm Sơn Tinh – Thủy Tinh. Với những chiếc mão, vương miện bằng giấy tự chế đội trên đầu, các em đã đưa người xem trở về khung cảnh kén rể của vua Hùng thứ 18. Nếu đây là màn kịch ngắn chỉ sáng tạo trong ngôn ngữ đối thoại của từng nhân vật thì phần diễn truyện Em bé thông minh đã có sự sáng tạo hơn của tác giả viết kịch bản. Lê An Nhiên (tác giả) cho hay: “Vì lớp không có bạn nam vào vai cậu bé thông minh nên chúng em đã chuyển sang cô bé thông minh mới có diễn viên đóng”. Tuy khác với câu chuyện trong nguyên bản nhưng đây là phần sáng tạo của nhóm có thể chấp nhận được. Đó cũng là hai nhân vật không có trong cốt truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng nhưng đã được các em “sinh ra” để đối thoại trên sân khấu, đó là nhân vật biển cả và con cá vàng. Trải nghiệm sáng tạo đã giúp các em cải tạo hoàn cảnh nếu gặp phải những trở ngại để dễ dàng vượt qua. Đây là bài học có ích cho kỹ năng sống, cho những bước chân ra đời sau này khi các em đã khôn lớn trưởng thành. Bên cạnh đó, năng lực hợp tác, năng lực giao tiếp cũng bắt đầu được hoàn thiện hơn.
Chỉ qua một tiết học ôn tập, những giá trị văn chương đã bắt đầu đi vào cuộc sống thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong lớp. Rõ ràng hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã minh chứng được chân lý: “Văn học là nhân học” và trở thành cầu nối bền vững giữa trang sách với cuộc đời.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)