Hoạt động độc đáo này do học sinh khối 10 và 12 Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM) thực hiện thông qua dự án “How chemistry our life” (tạm dịch: Hóa học ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta).
Học sinh thích thú xem các sản phẩm tái chế từ rác
Dự án trên được cô Lư Thị Kim Cúc (giáo viên môn hóa) xây dựng cho học sinh 6 lớp khối 10 và 12, được triển khai trong hai tuần. Dự án gồm hai phần chính: Chế tác rác thải – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn và phần trò chơi Rung chuông vàng. “Hóa học không phải lúc nào cũng chỉ là những phương trình phản ứng và số mol khô khan. Hóa học còn được nhìn nhận ở khía cạnh hóa học ứng dụng rất gần gũi với cuộc sống”, cô Kim Cúc chia sẻ.
Điểm ấn tượng nhất của dự án là phần “chế tác rác thải – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”. Hơn 100 sản phẩm sáng tạo từ rác thải mà chủ yếu là rác thải nhựa được học sinh 6 lớp chế tác đầy công phu và ấn tượng, đặc biệt mang tính thực tiễn cao. Không chỉ là những sản phẩm bóng đèn ngủ, đèn xoay, ống heo, hộp đựng, các mô hình trang trí… sử dụng trong gia đình, nhiều học sinh còn “biến tấu” rác thải nhựa thành tranh với thông điệp bảo vệ môi trường. “Ở phần này, qua những sản phẩm tái chế của học sinh, tôi mong muốn có thể thay đổi được ý thức và nhận thức của các em trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa, khuyến khích các em tái sử dụng những vật liệu nhựa. Đặc biệt là hình thành cho học sinh tư duy sáng tạo, cách giải quyết vấn đề, trách nhiệm của bản thân trước các vấn đề của xã hội, toàn cầu hóa như biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải…”, cô Kim Cúc nhấn mạnh.
Phần hai của dự án là trò chơi “Rung chuông vàng” – 40 học sinh xuất sắc nhất tham gia trả lời 15 câu hỏi hóa học thực tiễn. Những câu hỏi này không chỉ nằm trong chương trình học mà còn đề cập đến nội dung, kiến thức hóa học ở nhiều lĩnh vực như sức khỏe, y tế, dược phẩm, môi trường, động vật, xã hội… “Trước khi bước vào vòng thi, trước đó các em đã được phát cho 70 câu hỏi và tự tìm hiểu trên mạng internet. Điều này nhằm trang bị cho các em kỹ năng chọn lọc và kiểm chứng thông tin trong bối cảnh nguồn kiến thức trên mạng internet là vô tận. Đồng thời, các kiến thức hóa học thực tiễn này còn giúp các em có thể ứng dụng trong chính cuộc sống của mình”, cô Kim Cúc cho hay.
Độc đáo với bức tranh về quả địa cầu được làm từ ống hút cùng thông điệp bảo vệ môi trường, nhóm của Tường Vy (lớp 10A1) cho biết cả nhóm đã gom ống hút từ những lần đi uống trà sữa, xin thêm ống hút đã sử dụng từ những quán trà sữa, rửa sạch rồi tỉ mẩn cắt, gọt để làm thành bức tranh. “Một nửa quả địa cầu với đèn sáng nhấp nháy tượng trưng cho điểm sáng của môi trường xanh, sạch. Nửa còn lại với màu cam báo động cho môi trường đang bị ô nhiễm. Sản phẩm tựa như một hồi chuông báo động gửi đến bạn bè cũng như mọi người xung quanh về thói quen xả rác và sử dụng đồ nhựa không tái chế được như hiện nay”, Tường Vy nói. Hay bức tranh bản đồ Việt Nam làm từ nắp chai nhựa của nhóm lớp 12A7 lại mang thông điệp về việc tái sử dụng đồ nhựa. “Rác cũng có giá trị và làm đẹp được cho cuộc sống nếu chúng ta biết đặt chúng đúng chỗ”, đại diện nhóm chia sẻ.
Trong khi đó, bộ sản phẩm đèn ngủ cây nấm… hết sức cầu kỳ của Cẩm Vy (lớp 10A1) được làm từ muỗng nhựa, ly nhựa một lần nữa cho thấy vẻ đẹp của rác thải nhựa. Theo Cẩm Vy, rác thải nhựa hiện đang là vấn nạn hủy hoại môi trường. Nhưng nếu mỗi người có ý thức sử dụng cũng như biết cách tái sử dụng thì không những làm giảm ô nhiễm mà còn giúp cuộc sống thêm ý nghĩa.
Yến Hoa
Bình luận (0)