Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Higuain có vượt qua “lời nguyền số 9” tại Chelsea?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều cầu thủ tài năng đến Stamford Bridge với rất nhiều sự kì vọng và chọn cho mình chiếc áo số 9, kỳ lạ họ đều ra đi trong sự thất vọng. Để từ đó có một câu chuyện mang tên “lời nguyền số 9” tại Chelsea tồn tại suốt hơn 20 năm qua.
Sau những đàn anh như Crespo, Fernando Torres, Radamel Falcao, Alvaro Morata, Higuain trở thành chủ nhân tiếp theo của chiếc áo số 9 – số áo bị coi là không may mắn của đội bóng thành London. Với một bản hợp đồng cho đến cuối mùa giải 2018/19 kèm điều khoản mua đứt khoảng 30 triệu bảng.
Chọn mang áo số 9 – con số "bị nguyển rủa" ở sân Stamford Bridge liệu rằng Higuain có cùng chung cảnh ngộ với những chủ nhân trước đó của chiếc áo số 9 này. Hay tiền đạo người Argentia sẽ là người đầu tiên hoá giải được “lời nguyền số 9” ở Chelsea. 
1. Chris Sutton (Mùa giải: 1999-2000) 
Đối với người hâm mộ Premier League ở những thập kỉ trước, có lẽ không ai không biết đến cặp đôi Shearer – Sutton, bộ đôi đã mang lại chức vô địch cho Blackburn mùa giải 1994 – 1995. Được Chelsea đưa về với cái giá “khủng” 10 triệu bảng, anh nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng lớn khi chỉ ghi được có một bàn trong một mùa giải.
2. Mateja Kezman (Mùa giải: 2004-2005) 
Nhiều CĐV của các CLB khác tại Premier League khi đó tỏ ra khiếp sợ khi nghe tin Chelsea kí hợp đồng với tiền đạo người Serbia, chủ yếu bởi con số khủng khiếp 105 bàn/122 trận cho PSV Eindhoven. Nhưng họ đã lo bò trắng răng. Chấn thương, sự khác biệt về môi trường bóng đá, sức ép… khiến Kezman dần sa sút và phải lặng lẽ ra đi chỉ sau một năm.
3. Hernan Crespo (Mùa giải: 2005-2006) 
Đưa Crespo vào danh sách này có một điều gì đó hơi thiếu công bằng, nhưng đây lại là bằng chứng rõ nhất cho việc cái áo số 9 ở Chelsea có vấn đề thế nào. Khi mặc áo số 21 từ năm 2003 thì Crespo chơi khá hay, nhưng đến khi mặc áo số 9 do Kezman để lại thì anh tịt ngòi liên tục và phải ngồi ghế dự bị trong suốt một thời gian dài. 
4. Khalid Boulahrouz (Mùa giải: 2006-2007)
Đến mùa giải này, không tiền đạo nào của Chelsea nhận áo số 9 nữa, và Boulahrouz, một hậu vệ, là người đứng ra nhận nó. Vấn đề là cái áo không trừ một ai, kể cả khi bạn không phải là một tiền đạo. Ra sân 13 lần, trong đó có 9 lần từ băng ghế dự bị và nhanh chóng ra đi ở ngay mùa giải đầu tiên. 
5. Franco Di Santo (Mùa giải: 2008-2009)
Trước khi nhận áo số 9, tiền đạo trẻ người Argentina tự tin nói rằng mình sẽ là người thay đổi số phận chiếc áo này tại Stamford Bridge. 8 lần ra sân, toàn là từ băng ghế dự bị với tổng thời gian thi đấu chỉ là 226 phút, thêm một bài học nữa về việc nói trước mà bước không qua.
6.  Fernando Torres (Mùa giải: 2010-2014)
Bản hợp đồng kỷ lục của Chelsea một thời, chân sút khiến mọi hàng hậu vệ Premier League run sợ trong màu áo Liverpool nhưng cũng bất lực trước lời nguyền số 9 ở Stamford Bridge. Về mặt danh hiệu, Torres thành công khi ghi bàn giúp Chelsea chinh phục đỉnh châu Âu. Nhưng xét về tính hiệu quả, anh chắc chắn bị liệt vào hàng “bom xịt”.
7. Radamel Falcao (mùa giải: 2015-2016) 
Những năm tháng tại Anh đối với Falcao quả là cơn ác mộng. Từ một tiền đạo hàng đầu Châu Âu, Falcao liên tục bị “bỏ rơi” trên băng ghế dự bị khi chuyển đến Man Utd và Chelsea.
Điểm nhất hiếm hoi tiền đạo người Colombia để lại trong mắt các CĐV Anh chỉ là số tiền lương khổng lồ anh được nhận trong hai năm tại Premier League.
8. Alvaro Morata (mùa giải: 2017- 2018) 
Morata chuyển đến Chelsea với mức phí chuyển nhượng kỉ lục của CLB là 70 triệu Bảng. Song, mọi kì vọng của người hâm mộ Chelsea đặt lên chân sút sinh năm 1992 đều không được đền đáp khi anh liên tục bị gọi là "chân gỗ" và luôn hỏng ăn ở những tình huống quyết định.
Hiện tại, Morata sắp sửa bị HLV Sarri "tiễn" sang Atletico Madrid theo dạng cho mượn với điều khoản mua đứt trị giá 43,7 triệu Bảng.
Phạm Hưng (theo bongdaso)

Bình luận (0)