Theo GS-TS Phan Mạnh Hưởng, nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh và các trường cũng cần thay đổi phương thức xét tuyển, không nên chỉ dựa vào mỗi điểm số.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong nhiều năm qua, việc tuyển sinh ĐH ở Việt Nam hầu như chỉ căn cứ vào điểm số, những yếu tố khác như hoạt động xã hội, phẩm chất phù hợp với nghề… không phải là tiêu chí lựa chọn dù đây là những yếu tố góp phần đánh giá toàn diện năng lực của một cá nhân.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Thực tế cho thấy việc tuyển chọn theo hình thức thi tuyển tập trung đang bộc lộ những bất cập trong việc tuyển những sinh viên phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo, nghề nghiệp tương lai. Điều này có thể dẫn đến việc sinh viên nghỉ học vì không cảm thấy phù hợp và yêu thích với ngành đào tạo, cử nhân tốt nghiệp không phát huy tốt chuyên môn, bỏ nghề làm những việc có chuyên môn khác theo sở trường… Hay cũng có những trường hợp người lao động cố làm việc nhưng mãi không tiến bộ, không đóng góp nhiều cho sự phát triển của lĩnh vực công tác, làm việc qua loa, ngại làm việc khó…”.
GS-TS Phan Mạnh Hưởng, giảng viên Trường ĐH Nam Florida (Mỹ), cho rằng trường hợp của thí sinh Ngô Văn Hiếu rất đặc biệt do từ bé em đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ bạn trong suốt 10 năm, chắc chắn sẽ trở thành lương y có tâm trong tương lai. Tiến sĩ Hưởng cho rằng nếu là ở Mỹ, trường ĐH mà Hiếu mong muốn được học, có thể xem xét tới yếu tố này để nhận Hiếu vào học.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh tuyển sinh ở Việt Nam, các trường có điểm chuẩn cao hơn mức điểm của Hiếu, dù chỉ 0,25 điểm, cũng không thể đặc cách cho Hiếu vì làm vậy sẽ không đúng với quy chế chung. Đây chính là bất cập trong phương thức xét tuyển chỉ dựa vào điểm số, khiến trường ĐH có thể mất đi một người học vừa có năng lực vừa có cái tâm phù hợp với nghề”, tiến sĩ Hưởng chia sẻ.
Theo GS-TS Phan Mạnh Hưởng, việc tuyển sinh ĐH chỉ dựa vào điểm số, trong quá trình học cũng đánh giá bằng điểm số, sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực. “Thử ví dụ, một bạn trẻ chỉ biết học và học, có điểm số rất cao nhưng kỹ năng sống và kiến thức xã hội không có thì liệu bạn ấy có thể làm được gì trong tương lai? Cách tuyển sinh đầu vào cũng sẽ quyết định đến chất lượng đầu ra. Vì thế, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH nên thay đổi tư duy tuyển sinh để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh và các trường cũng cần thay đổi phương thức xét tuyển, không nên chỉ dựa vào mỗi điểm số”, tiến sĩ Hưởng đề xuất.
Thạc sĩ Trần Nam cũng cho biết: “Bối cảnh mới hiện nay khiến cho sự cạnh tranh trong lao động trở nên rất gay gắt, cần tính sáng tạo luôn ở mức cao, yêu cầu nhiều hơn ở khả năng tư duy liên ngành, hay yêu cầu ở khả năng thích ứng với sự thay đổi… Điều đó đòi hỏi các trường ĐH phải tuyển chọn được những ứng viên phù hợp nhất cho quá trình đào tạo ở các bậc học khác nhau. Hơn thế nữa, một trong những yêu cầu cao hiện nay của doanh nghiệp đối với người lao động đó là tính trách nhiệm xã hội để họ không chỉ làm việc chuyên môn tốt mà còn sống nhân văn, sống có trách nhiệm”.
Từ đó, theo thạc sĩ Nam hình thức phỏng vấn thí sinh nên là một trong số những phương thức tuyển sinh mà các trường ĐH cần cân nhắc chọn lựa. Với phương thức này, các trường có thể đưa ra những trọng số như: điểm thi các kỳ thi chung, thi tuyển đầu vào; điểm trả lời phỏng vấn trực tiếp; điểm hoạt động xã hội… với trọng số cần được tính toán phù hợp để đảm bảo việc tuyển đúng, tuyển minh bạch. “Dĩ nhiên, với phương thức này, các trường ĐH cần có một nguồn lực tài chính tốt, thời gian tuyển sinh hợp lý và quy trình xét tuyển minh bạch”, thạc sĩ Nam nhìn nhận.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)