Bên cạnh việc tận dụng các phương thức xét tuyển để mở rộng cửa vào ĐH, thí sinh cần phải cân nhắc và tìm hiểu kỹ các phương thức xét tuyển của từng trường. Đặc biệt, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, thí sinh cần lưu ý về sự khác nhau trong phương thức này giữa trường công lập và trường dân lập, quốc tế…
Đại diện ban tư vấn giới thiệu về ngành nghề cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ
Những lưu ý trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9). Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) cùng nhiều đơn vị khác.
Học giỏi mới được xét tuyển vào ngành y, sư phạm
Chia sẻ những thông tin cần lưu ý về công tác tuyển sinh năm 2019, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng chất lượng đầu vào đối với 2 ngành đào tạo là sư phạm và khoa học sức khỏe với việc công bố điểm chuẩn riêng, đồng thời sẽ áp dụng cấp chứng chỉ hành nghề đối với 2 ngành trên. Cùng với đó, việc sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ đối với 2 ngành trên cũng được quy định chặt chẽ, yêu cầu thí sinh phải đạt học bạ loại giỏi mới đủ điều kiện ứng tuyển vào ngành.
Một trong những điều kiện tiên quyết để sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ được TS. Lê Thị Thanh Mai đưa ra là “bắt buộc thí sinh phải tốt nghiệp THPT”. Song song với đó, tùy từng trường sẽ có những điều kiện khác nhau phù hợp với quy định đào tạo của trường. “Với các trường ĐH công lập, khi sử dụng phương thức xét tuyển học bạ thì chủ yếu là ưu tiên xét tuyển thẳng dành cho học sinh giỏi 3 năm liền. Đối với các trường công lập sử dụng học bạ 5 học kỳ làm phương thức xét tuyển thì chủ yếu áp dụng cho hệ đào tạo chất lượng cao, hệ quốc tế với học phí rất cao. Với các trường không nêu điều kiện gì trong phương thức này thì các em chỉ cần đảm bảo tổ hợp 3 môn xét tuyển bằng học bạ đạt từ 18 điểm trở lên theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT là đủ điều kiện để xét tuyển”, TS. Lê Thị Thanh Mai thông tin.
Từ những chia sẻ trên, TS. Lê Thị Thanh Mai cũng lưu ý khi sử dụng học bạ làm phương thức xét tuyển, thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ. Nhất là phải tìm hiểu thật kỹ về chương trình học của từng trường với phương thức này để có những phương án dự phòng thích hợp, tránh sự nhầm lẫn. “Với tính tự chủ của mình, các trường ĐH sẽ công bố các phương thức xét tuyển trong đề án tuyển sinh của trường mình. Nhắm vào trường nào, ngành nào, các em hãy theo dõi trường đó, ngành đó một cách sát sao. Các em có thể sử dụng song song đồng thời các phương thức xét tuyển nhưng phương thức nào cũng cần phải có sự cân nhắc. Quan trọng nhất vẫn là phải phù hợp với năng lực của bản thân và điều kiện gia đình”, TS. Lê Thị Thanh Mai nhắn nhủ.
Cửa vào ĐH rất rộng
Năm 2019, Bộ GD-ĐT tiếp tục không giới hạn nguyện vọng vào các trường của thí sinh trong phiếu đăng ký dự thi. TS. Lê Thị Thanh Mai cho hay, đây cũng là một trong những điều kiện để thí sinh rộng cửa vào ĐH. Tuy nhiên, lời khuyên được TS. Lê Thị Thanh Mai đưa ra là thí sinh cần có sự cân nhắc, chọn lọc trong nguyện vọng, tránh ôm đồm quá nhiều sẽ bị loãng.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhìn nhận hiện nay con đường vào ĐH không hẹp mà ngược lại rất rộng. Để vào được ĐH không khó, nhưng cái khó là tìm được ngành nghề nào phù hợp, bậc học nào phù hợp với bản thân. “Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra không hẳn là ngành này, ngành kia ra trường có việc làm hay không mà là sự cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN và thế giới. Điều mấu chốt là các em phải khai phá được năng lực của bản thân, hiểu được mình phù hợp với ngành nghề nào để phát huy. Bên cạnh đó, phải có thái độ, hành vi, kỹ năng để đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của công việc”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Học khối C vẫn có cơ hội theo kinh tế, quản trị Quan niệm chỉ học các khối có liên quan đến tư duy mới có thể theo học những ngành kinh tế, quản trị có lẽ đã không còn phù hợp trong xu thế hiện đại. Theo các chuyên gia tư vấn, ngay cả khi người học mạnh về khoa học xã hội vẫn có những ưu thế trong lĩnh vực kinh tế, quản trị. Trao đổi với các em học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (Q.Thủ Đức) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 tổ chức mới đây, ThS. Đoàn Thanh Phong (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho hay: “Hiện nay các trường xét tuyển khối ngành kinh tế, quản trị chủ yếu dựa vào 4 tổ hợp chính là toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh và văn, sử, địa. Với rất nhiều định hướng về công việc trong khối ngành này cũng như cách xét tuyển mở, dù thiên về lĩnh vực nào các em cũng vẫn có cơ hội để học chuyên sâu trong lĩnh vực về kinh tế. Điều cần thiết nhất khi lựa chọn là các em phải trả lời được câu hỏi mình muốn là ai trong tương lai để có lựa chọn hợp lý”. Cũng tại Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, các chuyên gia lưu ý học sinh phân biệt về ngành học và chuyên ngành học trong quá trình lựa chọn để không có sự nhầm lẫn. ThS. Đặng Văn Ơn (đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết trong từng ngành đào tạo lại chia ra nhiều chuyên ngành nhỏ, đi chuyên sâu vào từng lĩnh vực. Ở đặc thù này, người học cần phải lưu ý khi lựa chọn cho chính xác. Trong khi đó, ThS. Lý Quốc Huy (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin đến học sinh về những khác biệt trong cùng một ngành học ở bậc CĐ và ĐH. Theo đó, ThS. Lý Quốc Huy cho hay, ở cùng một ngành học, 2 bậc đào tạo này sẽ có 2 hướng đào tạo khác nhau. Nếu như CĐ thiên về thực hành nhiều khi có tới 70% thời gian là thực hành thì ĐH lại chú trọng những kiến thức hàn lâm và thực hành như nhau. “Căn cứ vào tính chất này, các em xét xem bản thân mình mạnh ở thực hành hay lý thuyết để đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân”, ThS. Lý Quốc Huy khuyên. Q.Long
Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, ở bất kỳ ngành nghề nào, việc làm nằm hoàn toàn trong bàn tay và khối óc của chính người học. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề cũ sẽ bị soán ngôi nhưng thay vào đó, hàng loạt ngành nghề mới được xây dựng. Thích ứng với các ngành nghề mới này không gì khác ngoài kiến thức, kỹ năng và công nghệ thông tin.
ThS. Trần Hải Nam (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) bổ sung thêm, ngoài công nghệ thông tin, ngoại ngữ cũng là điều kiện mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến để hòa nhập. “Nhu cầu nhân lực hiện nay ở mỗi ngành nghề đều thiếu. Nhưng thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng. Nhiệm vụ của các em bây giờ là tìm được ngành nghề mà mình yêu thích, phù hợp và học hết mình với nó. Đó là hành trang tốt nhất để thành công”, ThS. Trần Hải Nam nhắn nhủ.
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo nhìn nhận rằng, vấn đề việc làm trong mỗi ngành nghề lại là một yếu tố chủ quan. Bởi ra trường thất nghiệp hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào ngành nghề đã học mà phụ thuộc vào chính bản thân người học. “Một thái độ học tập nghiêm túc, một phương pháp học tập đúng đắn mới là yếu tố để các em hòa nhập tốt”, chuyên gia Chế Dạ Thảo khẳng định.
Yến Hoa
Bình luận (0)