Đã có lời so sánh rất sinh động: “Gia đình là tế bào của xã hội”. Đúng như vậy, tế bào gia đình khỏe mạnh, tốt thì xã hội tốt, khỏe mạnh và ngược lại. Gia đình là tổ ấm hạnh phúc; là nền tảng cho con trẻ hình thành nhân cách con người. Vì thế, người xưa thường nhắc nhở “Dạy con từ thuở còn thơ” là vậy!
Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe những câu nhận xét: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy” hoặc “Rau nào, sâu ấy”, rồi “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”… Như thế để chúng ta thấy được vai trò giáo dục của gia đình quan trọng như thế nào đối với con trẻ! Muốn có được đứa trẻ học hành chăm ngoan, hiền lành, biết vâng lời; trước hết gia đình phải có hạnh phúc, hòa thuận. Vợ chồng luôn tôn trọng lẫn nhau; biết chia sẻ, nhường nhịn, nhẫn nhịn thì gia đình mới có hòa khí (Nhất cần thiên hạ vô nan sự/ Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa – có nghĩa là trong cuộc đời, chỉ cần một chữ “cần” thì không việc gì khó cả; trong gia đình, khi có trăm chữ “nhẫn” thì luôn hòa thuận, yên vui). Những cách ứng xử với nhau của các bậc cha mẹ chính là tấm gương cho con trẻ noi theo. Gia đình hạnh phúc, hòa thuận thì con cái luôn sống trong không khí vui vẻ, thương yêu lẫn nhau. Nếu gia đình thiếu hạnh phúc thì con cái luôn chịu áp lực do cha mẹ tạo nên, khiến không khí gia đình luôn căng thẳng. Từ đó, nó có tác động rất lớn đến tâm hồn trẻ thơ. Song song đó, cha mẹ phải dạy cho con trẻ luôn nói điều hay, điều tốt; luôn thương yêu anh em trong nhà. Tôi từng chứng kiến có gia đình cưng chiều con quá mức, dạy cả những điều sai cho con. Con mới lên 3, lên 4 đã tập cho con chửi thề. Cháu cứ nói theo như con vẹt, đâu biết gì nhưng mọi người trong nhà vỗ tay cười nói… như thể động viên vậy!
Khi các bậc cha mẹ sống tốt; biết kính trọng, thương yêu ông bà trong nhà và thân thiện với mọi người xung quanh thì con cái cũng bắt chước làm theo. Điều này thấy rất rõ một khi cha mẹ luôn ăn nói lịch sự, từ tốn thì các con cũng luôn ăn nói lịch sự, nhã nhặn với mọi người. Cái nôi của gia đình là nơi các em lớn lên hàng ngày; thành cây cong hay thành cây thẳng bắt đầu từ đây. Tiếc thay, do nhiều nguyên nhân mà không ít gia đình thiếu sự chăm sóc, giáo dục con cái nên hậu quả là các em phải chịu!
Ở nhà trường, nếu có những học sinh không ngoan, thường xuyên quậy phá trong lớp thì giáo viên phải tìm hiểu và liên hệ gia đình để phối hợp dạy dỗ các em. “Nhân nào, quả nấy”, không phải tự nhiên em này ngoan; em kia không ngoan mà do sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng tới các em (bằng việc làm, hành động, cách đối nhân xử thế… của các bậc cha mẹ).
Đừng coi nhẹ vai trò của gia đình vì trước khi bước chân vào học chữ, các em đã được học từ gia đình, từ cha mẹ và mọi người thân xung quanh…
Hoàng Việt
Bình luận (0)