Thông điệp được đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), Sở KHCN TP.HCM và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (KHSHTT) Việt Nam (VIPRI) nhấn mạnh trong khuôn khổ buổi khánh thành và đưa vào hoạt động Văn phòng đại diện VIPRI tại TP.HCM.
Công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên TP.HCM. Ảnh: I.T
Cần lan tỏa rộng hơn việc quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp Việt
Theo đó, văn phòng tại TP.HCM của VIPRI hoạt động là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp, định giá tài sản trí tuệ (TSTT); tổ chức đào tạo về SHTT và quản trị TSTT; cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về SHTT và các dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam.
Theo GS. Hoàng Văn Phong – nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KHCN quốc gia – TP.HCM là trung tâm kinh tế, KHCN lớn của cả nước. “Trong đó, tiềm lực trí tuệ, TSTT của người dân TP.HCM rất quan trọng. Sự ra đời của Văn phòng đại diện Viện KHSHTT tại TP.HCM sẽ góp phần vào dòng chảy trí tuệ của thành phố từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp”.
Đại diện Viện KHSHTT cho biết, bước đầu, viện sẽ đặt một trạm dữ liệu tại văn phòng đại diện để các nhà khoa học, doanh nghiệp khai thác thử nghiệm và ghi nhận ý kiến phản hồi.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Viện KHSHTT sẽ tiếp tục hoàn thiện dữ liệu này. Sau khi được hoàn thiện, cơ sở dữ liệu về SHTT này sẽ được cung cấp miễn phí trên mạng.
“Đồng thời, Viện KHSHTT cũng tiếp nhận những yêu cầu dịch vụ của khách hàng, hướng tới tạo ra sàn giao dịch cho các doanh nghiệp, nhà khoa học bán, mua các đối tượng SHTT, các dịch vụ SHTT”, ông Tạ Quang Minh – Viện trưởng Viện KHSHTT chia sẻ.
Đẩy mạnh hợp tác
Dịp này, Viện KHSHTT và Sở KHCN TP.HCM cũng tổ chức trao đổi thỏa thuận hợp tác về SHTT. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, thông tin, đào tạo, giám định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về SHTT, nhằm phục vụ và hỗ trợ việc phát triển và quản trị TSTT của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước.
Đồng thời, Viện KHSHTT và Sở KHCN TP.HCM cũng hợp tác với một số cơ quan khác như Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Quản trị TSTT Minh Đức… để triển khai thỏa thuận hợp tác về SHTT.
Chia sẻ về mục tiêu hoạt động của văn phòng tại TP.HCM, ông Tạ Quang Minh khẳng định: “Chúng ta đã có hệ thống luật, văn bản, hướng dẫn xác lập, bảo hộ TSTT nhưng việc sử dụng sau khi được bảo hộ còn rất yếu. Nguyên nhân là do nhận thức về lĩnh vực này còn thiếu, có người có nhận thức lại không có kiến thức để làm”.
“Bởi vậy, ngoài hỗ trợ xác lập, bảo hộ TSTT, chúng tôi tập trung hỗ trợ quản trị TSTT. Theo tôi, đăng ký bảo hộ đã quan trọng nhưng việc quản trị, phát triển sử dụng sau đăng ký còn quan trọng hơn nhiều”, ông Minh cho biết.
Sau lễ khai trương, VIPRI phối hợp với Trung tâm Quốc gia về Đào tạo và Thông tin Nhật Bản (INPIT) tổ chức hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT” nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền SHTT; giới thiệu hoạt động nghiên cứu, đào tạo, giám định và định giá về SHTT của VIPRI; giới thiệu các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, thông tin sở hữu công nghiệp do VIPRI cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở khu vực phía Nam.
Về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khai thác thông tin, VIPRI đã xây dựng và cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp. Các nhà khoa học, doanh nghiệp có thể sử dụng chức năng tra cứu, gửi yêu cầu dịch vụ (về nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, theo dõi đơn/bằng sở hữu công nghiệp, tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp, theo dõi tình hình đăng ký/bảo hộ, đánh giá khả năng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp…), cập nhật thông tin, sàn giao dịch… của hệ thống, tạo thuận lợi cho việc khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm thông tin liên quan đến các đối tượng SHTT. Ngoài ra, VIPRI đang chủ trì thực hiện dự án “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT ở trong và ngoài nước” (từ tháng 9-2018 – tháng 8-2020) với các nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT; tư vấn về tạo dựng, xác lập và bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa TSTT và quản trị TSTT; khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa và quản trị TSTT. Những nội dung này dành cho đối tượng là các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KHCN, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức trung gian, hiệp hội… trên địa bàn cả nước với mức hỗ trợ kinh phí từ 50-100%.
T.N
Bình luận (0)