Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP.HCM năm 2018 tăng hơn 4% so với năm 2017. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh lại không đồng đều, một số trường tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu.
Học sinh THPT tại TP.HCM tìm hiểu ngành công nghệ ô tô ở một ngày hội hướng nghiệp
Năm 2018, các hệ đào tạo GDNN tuyển 482.699 người (CĐ gần 46.782 sinh viên; TC 29.091 học sinh; sơ cấp 159.900 học viên và đào tạo thường xuyên 246.926 học viên). So với năm 2017 tăng 4,28%, trong đó trình độ CĐ tăng 35,52%; TC tăng 16%; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên tăng 0,87%.
Phân luồng chưa hiệu quả
Nhìn tổng thể công tác tuyển sinh hàng năm nói chung và năm 2018 nói riêng thì đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên ở trình độ TC, năm 2018 tuyển chỉ đạt 80,01%. Đáng lưu ý là chỉ có 20/64 trường TC tuyển đạt từ 50% chỉ tiêu trở lên (tỷ lệ 31,25%), trong đó có 4 trường tuyển trên 90% chỉ tiêu; 15/64 trường tuyển từ 20-50% chỉ tiêu (chiếm 23,33%); các trường còn lại tuyển đạt dưới 20% chỉ tiêu (45,31%).
Số lượng tuyển sinh tăng nhưng kết quả đào tạo lại rất thấp, chỉ có 298.738/482.699 người tốt nghiệp, cụ thể: CĐ 16.304 sinh viên; TC 10.910 học sinh; sơ cấp 131.081 học viên và đào tạo thường xuyên 140.443 học viên. Theo đó, ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có 38.598 người (12,92%); 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 240.080 người (83,04%); các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN có 12.069 người (tỷ lệ 4,045%). So với năm 2017, năm 2018 số lượng người tốt nghiệp các trình độ giảm 16,59% (trong đó trình độ CĐ tăng 4,45%; TC giảm 17,02%; sơ cấp và đào tạo thường xuyên giảm 15,57%).
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng nguyên nhân tuyển sinh GDNN còn hạn chế là do một bộ phận học sinh và phụ huynh còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của GDNN nên vẫn hướng vào ĐH sau tốt nghiệp THPT. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học chưa thực hiện hiệu quả. Tuyển sinh ĐH còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục ĐH và GDNN.
Ông Sự cũng chỉ rõ một số trường nghề có cơ sở vật chất còn lạc hậu so với yêu cầu, chưa đầu tư phát triển phương tiện kỹ thuật dạy học, chưa tạo uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động. Điều này tạo tâm lý e ngại trong tuyển dụng lao động, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý xã hội trong việc hướng nghiệp, phân luồng. Thêm nữa là công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở GDNN chưa hiệu quả nên việc giao đất, cấp đất để GDNN phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo của đơn vị. “Một phần do các cơ sở GDNN chưa xác định được nhu cầu học nghề của xã hội, chưa kịp thời chiêu sinh, tổ chức đào tạo các nhóm nghề có nhu cầu cao, chỉ tập trung đào tạo những nhóm nghề chủ lực của đơn vị”, ông Sự nhìn nhận.
Mạnh dạn đầu tư mở ngành nghề mới
Để khắc phục hạn chế trong công tác tuyển sinh GDNN, ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các trường tổ chức tốt việc giới thiệu các ngành nghề thế mạnh của đơn vị, chính sách miễn giảm học phí đối với người học và mối quan hệ giữa trường với doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các trường phải mạnh dạn đầu tư mở ngành nghề mới, đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là các ngành nghề thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu như lắp ráp ô tô, cơ khí chính xác, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, dệt may – da giày…
Cũng theo ông Tấn, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ chỉ đạo các đơn vị được lựa chọn thành trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Trong đó tập trung kiểm định chất lượng ở các ngành nghề tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN.
Ông Tấn cũng cho biết, trong năm 2019, sở sẽ xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử GDNN TP.HCM đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ngành nghề, cơ hội việc làm… cho người học. Ngoài ra, các cơ sở GDNN cũng đẩy mạnh triển khai việc ứng dụng CNTT trong tuyển dụng, theo dõi quá trình, kết quả học tập của người học tới khi ra trường trên trang điện tử của đơn vị.
T.Anh
Bình luận (0)