Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sinh hoạt dưới cờ cần có nội dung linh hoạt…

Tạp Chí Giáo Dục

Các tiết sinh hoạt dưới cờ của các trường vào thứ hai đầu tuần thường xoay quanh những công việc sự vụ, những nhắc nhở chung chung, trùng lắp của nhà trường, của Đoàn, của Đội (vì những nội dung này đã được giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt cho học sinh)… Nên tăng cường thông tin trên mạng nội bộ, trên bảng thông tin của nhà trường; dành thời gian cho những nội dung đa dạng, thiết thực, hấp dẫn hơn.

Có thể chúng ta có những nội dung, những chuyên đề sinh hoạt rất bổ ích. Đây là lúc các bộ môn trong nhà trường phát huy “tiềm lực” của mình để thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành” một cách sinh động, cung cấp những kiến thức mà trong giờ chính khóa không có được.

Đó là bộ môn ngữ văn nói chuyện về những nét đẹp, những phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam thể hiện trong những ngày Tết. Ý nghĩa của mâm cơm cúng chiều 30 Tết; ý nghĩa việc đi chùa, nhà thờ đầu năm; đó là những khát vọng, ước mơ gửi gắm qua từng câu đối Tết, từng vần thơ mừng xuân, mừng thọ… Sắc màu trong chợ Tết, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày xuân…

Đó là bộ môn sinh học nói chuyện về  việc cân bằng chất dinh dưỡng trong những ngày trước và sau Tết; cách chăm sóc hoa kiểng tươi lâu; việc vui chơi và nghỉ ngơi điều độ, cân bằng để giữ gìn sức khỏe… Sau Tết, đồng hồ sinh học của con người có thể bị đảo lộn vì những hoạt động diễn ra liên tục trong Tết, không còn đúng giờ giấc như ngày thường… Làm thế nào để cân bằng giữa việc học hành, vui chơi và nghỉ ngơi, thư giãn…

Đó là bộ môn hóa học có thể cung cấp thông tin cho học sinh những thành phần trong một chai nước ngọt; tác hại của việc uống nước ngọt nhiều đối với sức khỏe nhất là vào những ngày nắng nóng như hiện nay. Có thể làm rõ các chất kết hợp với nhau trong câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”… Tại sao người xưa lại kèm “dưa hành” khi ăn với “thịt mỡ”? Hoặc cách nhận biết ban đầu về thực phẩm nhuộm màu an toàn và không an toàn (bên cạnh chọn sản phẩm các thương hiệu uy tín). Mối nguy hại khi ăn phải thực phẩm nhuộm màu không an toàn…

Đó là bộ môn lịch sử có thể nói chuyện về những mùa xuân lịch sử của dân tộc trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước… Những chiến thắng, những thành tựu đầu xuân có ý nghĩa như thế nào và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào tương lai của đất nước…

Còn rất nhiều chuyên đề liên quan trực tiếp tới từng con người, thời điểm, mà chúng ta cần vận dụng để tiết sinh hoạt dưới cờ có nhiều hấp dẫn hơn. Điều cốt yếu là tùy theo hoàn cảnh, điều kiện mà mỗi nhà trường có cách làm linh hoạt, sinh động. Có thể làm một hoạt cảnh; có thể diễn một vở kịch ngắn; có thể chơi kiểu “Rung chuông vàng”… miễn là hay, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tham gia.

Hoàng Sa Vit (Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)