Trong những ngày gần đây, mỗi ngày, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ đến khám và điều trị, trong đó nhiều trường hợp nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng…
BS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1 – đang khám cho bệnh nhi. Ảnh: H.T
Chiều 27-2, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, chị Phạm Thanh Loan (43 tuổi, Q.10) đang chăm sóc cho con trai 11 tuổi – cho biết: “2 ngày trước, sau khi con đi học về, tôi phát hiện cháu có triệu chứng sốt, mệt. Nghĩ con bị cảm nắng nên tôi pha nước chanh cho cháu uống. Đến sáng hôm sau, cháu đỡ sốt nhưng buổi trưa khi từ trường trở về thì mệt hơn, mồ hôi toát ra đầm đìa nên tôi mua thuốc hạ sốt cho con uống. Sáng hôm sau, tôi đưa con vào BV Nhi đồng 1. Tại đây, BS cho biết, cháu bị say nắng, sốc nhiệt, phải nhập viện…”.
Cũng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, chị Bùi Thị Hạnh (35 tuổi, ngụ Q.3) kể lại: “Trưa 25-2, do có công việc nên tôi phải chở con gái 4 tuổi ra ngoài. Dù tôi đã bịt kín cho con nhưng đến chiều cháu bị sốt nhẹ, bỏ ăn, đêm đổ nhiều mồ hôi. Hôm sau cháu bị nặng hơn, tôi phải đưa con vào BV. Các BS nói, nếu chần chừ thì nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh, chức năng vận động…”.
Theo số liệu thống kê tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1, mỗi ngày, các BS tiếp nhận 5.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh lý về tiêu hóa, 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não… |
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc. BV Nhi đồng 1 – cho biết, trong nhiều ngày trở lại đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, khoa đã tiếp nhận rất nhiều trẻ. Trong đó, có một bé trai (9 tháng tuổi) được cha mẹ đưa đến BV Nhi đồng 1 để khám tiêu chảy kèm theo sốt. Trong lúc đang chờ ở phòng khám, bé đột ngột lên cơn sốt cao, biến chứng co giật. Ngay sau đó, bé được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Tại đây, bé đã được lau mát, thông đường thở, cho thở ôxy. Đến tối, tình trạng của bé ổn định nên được chuyển sang Khoa Tiêu hóa tiếp tục điều trị. Nguyên nhân khiến bé co giật là do bé đang sốt cùng với nhiệt độ bên ngoài cao làm cho thân nhiệt tăng cao…
Theo BS Quang, thời tiết TP.HCM đang nắng nóng bất thường, đây là thời điểm thuận lợi cho vi khuẩn, virus bùng phát và tấn công khiến trẻ dễ mắc bệnh. Trong đó điển hình là các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh lý hô hấp, bệnh lý về da, các bệnh truyền nhiễm. Đối với bệnh lý về đường tiêu hóa gồm tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Do đó, phụ huynh cần thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo vệ sức khỏe của trẻ và gia đình. Bên cạnh đó, trời nóng nên nhà nhà sử dụng quạt, máy lạnh nhiều hơn. Với bản tính hiếu động, trẻ thường chạy ra chạy vào giữa hai môi trường trong nhà và bên ngoài, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ dễ dàng bị viêm amidan, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi. Để phòng tránh bệnh, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, ở nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ trong nhà quá thấp.
Đối với các bệnh lý về da gồm có rôm sảy, nhiễm trùng. Nguyên nhân do trời nóng, trẻ đổ nhiều mồ hôi, khó chịu nên có khuynh hướng gãi tay chân, trong khi môi trường da chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, cần tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Đối với các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ. Nếu phát hiện trẻ mắc bệnh, cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám và điều trị. Đặc biệt trường hợp trẻ đã có những triệu chứng co giật tại nhà, cha mẹ cần sơ cứu bằng cách đặt trẻ nằm nghiêng để khai thông đường thở, hoặc tống khứ dịch trong trường hợp trẻ ói ra đàm nhớt. Khi trẻ hết co giật cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không nặn chanh, đổ sả, đổ nước vào miệng trẻ vì lúc này sẽ gây hít sặc, biến chứng viêm phổi…
Hoài Thương
Bình luận (0)