Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi trẻ có em!

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh con th 2 là chuyn ph biến trong các gia đình tr hin nay, thế nhưng nhiu cha m không biết làm cách nào đ các con luôn hòa thun, đ khi con ln có em mà không cm thy ti thân. N din viên Thanh Thúy, bà m hai con đã có nhng chia s thú v!

Din viên Thanh Thúy và hai con trai

Khi mới bắt đầu mang thai, một trong những điều Thúy lo lắng nhất là liệu Cà Phê, con trai lớn 8 tuổi của Thúy có thương em không, có ganh tị với em không?

Tại sao nhiều bé có cảm giác mình bị “ra rìa” khi có em, đó chính là do cách cư xử sai lầm của cha mẹ. Các ông bố bà mẹ hãy nắm vững những điều cơ bản sau:

+ Không nên để con lớn ngủ một mình. Sau khi sinh con thứ 2, chúng ta sẽ có vô vàn lý do để cho đứa lớn ra ngủ riêng như giường chật quá, sợ con đè vào em, sợ em quấy làm phiền con… Thế nhưng, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của con mà cảm nhận. Tại sao vừa có em, tình yêu của bố mẹ dành cho mình lại bị bớt xén đi, đến cả chỗ ngủ cũng bị chiếm mất? Do đó, các cha mẹ nên tập cho con ngủ riêng từ trước khi có em, hoặc là 1 đứa ngủ với cha 1 đứa ngủ với mẹ, còn không thì cả nhà nằm chung 1 giường cũng không sao.

+ Không được mang hai con ra so sánh. Cha mẹ hay những người thân trong gia đình thường rất hay mắc phải lỗi này, ví dụ như đứa con lớn biếng ăn, người lớn lại nói: “Con thấy em ăn giỏi không? Con lớn rồi mà không ăn giỏi bằng em, anh hai gì mà dở hơn em luôn”. Bạn có thích mình bị mang ra so sánh với một ai đó không? Trẻ nhỏ thì cũng như người lớn mình thôi, đó là điều tối kỵ. Thay vì so sánh, bạn nên hỏi thăm con: “Sao con không thích ăn món này vậy?”.

+ Làm công tác tư tưởng cho con lớn trước khi đi sinh. Đại loại như: “Con ơi, sắp tới khi mẹ sinh em ra, mẹ bị đau lắm nên mẹ sẽ không thể quan tâm đến con nhiều hơn, con thông cảm cho mẹ nha!”. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu ra tại sao mẹ không còn quan tâm tới mình nhiều như trước đây.

Nếu bạn sinh con thứ, hãy khẳng định với con rằng: Con luôn nhận được tình yêu thương trọn vẹn, sẽ không vì bất cứ ai mà thay đổi.  Như có lần, Cà Phê hỏi: “Giữa em và con mẹ thương ai hơn”, thì Thúy đã nói: “Con và em đều là con của mẹ, nên mẹ yêu hai anh em bằng nhau hết. Con hãy tưởng tượng con là cánh tay phải, em là cánh tay trái. Con có thương cánh tay phải hơn tay trái không?”. Nghe vậy Cà Phê nói ngay: “Dạ con thương cả hai tay như nhau”.

+ Đừng bắt con nhường em chỉ bởi vì con là anh (chị). Câu nói này được xem như là câu cửa miệng của những gia đình có đông con: “Con nhường đồ chơi cho em đi, con là anh mà”. Hoặc: “Con là anh nên con không được đánh lại em”. Thử nghĩ mà xem, liệu có mấy đứa trẻ nghĩ được rằng: “Đúng, mình là anh, nên mình phải nhường em hết” hay là chúng lại nghĩ rằng: “Mẹ không yêu mình, mẹ yêu em hơn nên mới bắt mình nhường em”. Tâm lí của những đứa con lớn trong gia đình sẽ hiểu rằng, mình phải nhường cả cha mẹ cho em. Cái gì cũng bắt con phải nhường có thể khiến bé cảm thấy tổn thương. Cứ thế, đứa trẻ sẽ lớn lên với một cảm giác thiếu an toàn trầm trọng, tại sao mình phải nhường? Bởi vì mình không đủ tốt. Đối với những đứa trẻ chỉ cách nhau chưa đến 2 tuổi, cảm giác này sẽ càng mạnh hơn.

+ Mỗi đứa trẻ đều cần có “khoảng thời gian đặc biệt”. Kể từ khi có đứa thứ 2, cha mẹ càng ít thời gian rảnh rỗi, nhưng dù vậy, bạn vẫn phải dành thời gian để bầu bạn riêng với mỗi đứa con. Nếu có thể, hãy gửi con nhỏ cho người thân rồi cùng con lớn đi chơi riêng. Khi con lớn đi học, hãy thân thiết hơn với con nhỏ. Mặc dù đó chỉ là những sự sắp xếp rất đơn giản nhưng đối với các con, điều đó mang những ý nghĩa sâu sắc cùng tình cảm to lớn.

Anh Khôi (ghi)

 

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi trẻ có em

Tạp Chí Giáo Dục

Cảm giác mình bị “bỏ rơi” là tâm lý thường thấy ở những đứa trẻ khi em chúng vừa chào đời. Sự ganh tị, ghen ghét càng bộc lộ rõ rệt khi đứa em được ba mẹ quan tâm đặc biệt, còn mình thì chẳng ai đoái hoài.

Từ vô tình…

Do kinh tế gia đình chưa ổn định nên vợ chồng anh Phước (nhà ở quận 10, TP.HCM) chỉ sinh bé Cà Rốt. Thằng bé cũng có nhiều bạn bè trong xóm cùng trang lứa để chơi nhưng cu cậu lại không thích cho lắm. “Cà Rốt muốn có em để chơi chung”, cậu bé tha thiết nói với ba mẹ như thế. Mặc dù kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình, nhưng thấy con trai buồn, phần anh Phước cũng muốn sinh thêm một đứa con nữa cho vui nhà vui cửa nên hai vợ chồng bàn bạc và đi đến quyết định sinh con.

Từ lúc mẹ mang thai, Cà Rốt thường hay sờ tay và áp tay vào bụng mẹ để nghe em bé trò chuyện. Cà Rốt thích thú lắm, mong mẹ mau mau sinh em bé để cậu có người chơi cùng. Rồi cậu vẽ ra viễn cảnh sẽ mua nhiều đồ chơi đẹp cho em, đút cho em ăn, ẵm em suốt ngày… Anh Phước thấy con nôn nóng như vậy mà lòng mình cũng lâng lâng theo.

Khi mẹ sinh em bé, Cà Rốt vui mừng khôn xiết, cứ líu lo như chim sáo. Bao nhiêu đồ chơi được ba mẹ mua cho từ đó đến giờ, Cà Rốt bỏ ngay ngắn vào thùng giấy để dành khi nào em biết đi rồi chơi cùng mình. Cậu còn hạn chế đi chơi với mấy bạn trong hẻm để ở nhà giữ em cho mẹ giặt giũ, nấu ăn.

Đừng để trẻ tổn thương vì tâm lý bị “bỏ rơi” khi có thêm em. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, do không cảm nhận được tình yêu của Cà Rốt dành cho em, không hiểu tâm lý của trẻ thơ nên vợ chồng anh Phước có những thái độ không đúng đắn, vô tình làm cho cậu bé nghĩ lệch vấn đề. Do Cà Rốt suốt ngày cứ quấn quýt bên em khiến mẹ không ru em ngủ được, lại làm mẹ vướng víu chân tay nên đôi khi vợ anh Phước la rầy con. Một lần, hai lần không sao, nhưng nhiều lần gộp lại khiến cho Cà Rốt nghĩ rằng mình đang bị ba mẹ “bỏ rơi”. Cộng thêm chuyện mỗi lần cứ về đến nhà là anh Phước chạy ùa vào nôi nựng nịu em bé, không thèm “hỏi thăm” Cà Rốt tiếng nào, khiến cậu bé nảy sinh lòng ghen tị với em, “nghỉ chơi” với em luôn.

… Đến cố ý

Từ lúc sinh được cô “công chúa”, cả nhà anh Quang (quận Bình Tân, TP.HCM) mừng không tả xiết. Mặc dù đã sinh thằng con trai đầu lòng, nhưng ước nguyện của anh chị, cả ông bà nội là sinh được đứa con gái. Có em, bé Minh chợt thấy mình bị thừa thãi. Bất cứ thứ gì tốt đẹp, lạ mắt cũng đều mua cho em, còn Minh thì chẳng có thứ gì. Thậm chí những ngày cuối tuần, thay vì cả nhà cùng dẫn nhau đi công viên chơi thì vợ chồng anh Quang lại gửi Minh cho bà nội giữ. Minh đòi đi theo với em thì anh Quang quát: “Theo để quậy phá hả? Ở nhà với nội ngoan đi. Lì là ăn đòn đó, nghe chưa?”. Trên bàn ăn, lúc nào Minh giành ngồi gần em là ba mẹ không cho vì sợ Minh đút thức ăn không hợp vệ sinh cho em, làm em đau. Anh Quang thường hay mang Minh ra so sánh với em: “Con nhìn xem, em ngoan, giỏi, ai cũng thích. Còn con lì lợm khó ưa quá đi”. Phòng của em Minh tràn ngập quần áo, đồ chơi, trong khi phòng Minh chỉ có vài món đồ được cậu, chú mua tặng trong những trường hợp đặc biệt. Từ sự tổn thương tâm lý, dần dần Minh nhận ra ba mẹ không ưa mình chỉ vì cô em gái. Minh bắt đầu ghét em, không còn yêu thương như lúc em mới sinh nữa.

Muốn tâm hồn non nớt của trẻ không bị tổn thương, mong rằng cha mẹ biết khôn khéo trong cách yêu thương và dạy dỗ. Những đứa trẻ trưởng thành nên người đều bắt nguồn từ sự giáo dục đúng đắn của các bậc phụ huynh.

Hãy công bằng với trẻ

Theo các chuyên gia tâm lý thì con cái là món quà vô giá của cha mẹ. Vì vậy dù trẻ có là con trai hay con gái, xấu hay đẹp, ngoan hay tinh nghịch… thì vẫn là con của mình, phải thương yêu và dạy dỗ con nên người. Đặc biệt là khi nhà sinh nhiều con, phải công bằng với chúng, chứ không phải thiên vị chỉ vì một lý do vô lý: Thích con trai (hoặc thích con gái. Điều đó chẳng những đem lại sự mâu thuẫn trong gia đình mà còn vô tình đẩy con cái (những đứa trẻ không được quan tâm) vào ranh giới tiêu cực. Thay vì đặt những đứa con lên “bàn cân” tình cảm, thì hãy tìm cách chia sẻ sự yêu thương đồng đều hoặc giải thích cho con hiểu rằng: “Em nó còn nhỏ, yếu ớt, nên cần được ba mẹ chăm sóc nhiều hơn con…”.

Nguyễn Thanh Vũ

(Q.Tân Phú, TP.HCM)