Xe bồn chở xăng đang lưu thông bỗng nhiên bốc cháy, xe ô tô chuyển phát nhanh đang chạy bon bon bất ngờ làm đổ hóa chất ra đường khiến nhiều xe gắn máy trượt ngã. Từ hai vụ việc này cho thấy vấn đề vận chuyển hóa chất, nhất là hóa chất dễ cháy nổ đang là một trong những nguyên nhân gây mất ATGT cần được chấn chỉnh.
Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra các điều kiện vận chuyển hóa chất an toàn
Những nguy cơ tiềm ẩn
Vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra vào lúc 15 giờ chiều 26-2 trên xa lộ Hà Nội. Vụ việc xảy ra khi tài xế Nguyễn Duy Hiếu (29 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) lái xe bồn (biển kiểm soát 50KT – 00201) chở xăng, lúc đến gần cầu vượt Trạm 2 (phường Tân Phú, quận 9) thì xe bất ngờ bốc cháy. Khi phát hiện sự cố bất thường, tài xế Hiếu vội tấp xe vào lề đường rồi dùng bình chữa cháy để dập lửa, nhưng ngọn lửa mỗi lúc càng bùng phát dữ dội đến mức phủ kín cả con đường rộng 40 mét. Nhận được thông tin khẩn, Đội Cảnh sát PCCC quận 9 (Công an quận 9) lập tức huy động lực lượng ứng cứu. Để phục vụ công tác chữa cháy, lực lượng chức năng đã phong tỏa 2 hướng lưu thông trên xa lộ Hà Nội. Do xe bồn chở xăng bùng cháy dữ dội nên đến 16 giờ vụ cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Được biết sự cố này đã gây ùn tắc nghiêm trọng, khiến các phương tiện kẹt cứng.
Bên cạnh vụ cháy xe bồn, tình trạng vận chuyển hóa chất làm đổ ra đường cũng là nguyên nhân gây mất ATGT rất đáng lo ngại. Cụ thể, vào chiều 23-2, xe tải chuyển phát nhanh (biển số 51D – 292.21) khi vận chuyển các thùng hóa chất do bị va đập nên đã làm đổ hóa chất xuống mặt đường tại giao lộ Trường Chinh – 222TC (Ngã ba Đông Quang, phường Tân Hưng Thuận, quận 12). Do hóa chất bị chảy lênh láng nên nhiều người điều khiển xe máy qua khu vực này đã bị té ngã do trơn trượt. Sau đó, người dân trong khu vực đã dùng cành cây, rác thải rải trên mặt đường để cảnh báo cho người lưu thông. Nhận được thông tin từ người dân, Đội CSGT An Sương và công an phường đã lập tức đến hiện trường để cùng phối hợp phân luồng từ xa, không cho các phương tiện đi vào khu vực có hóa chất. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã liên hệ với một cửa hàng bán vật liệu xây dựng và huy động 2 xe cát. Số cát này đã được rải đều lên khu vực có hóa chất để hạn chế trơn trượt gây nguy hiểm cho các phương tiện.
Cần đảm bảo các điều kiện an toàn thiết yếu
Theo khuyến cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM, xăng (dầu) là chất không dẫn điện, nhưng có khả năng phát sinh tĩnh điện. Trong quá trình bơm rót, vận chuyển, xăng (dầu) có thể bị xáo trộn, các phần tử xăng dầu ma sát với nhau và ma sát với thành thiết bị (thành ống, vỏ thiết bị chứa) sinh ra tĩnh điện. Các điện tích này khi tích tụ đến một điện thế đủ lớn (300V) sẽ gây ra hiện tượng phóng tia lửa điện gây cháy hỗn hợp hơi xăng (dầu). Do đó, trong trường hợp xảy ra cháy, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cháy ngay cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Để hạn chế các sự cố cháy nổ trong quá trình vận chuyển xăng (dầu) bằng xe bồn, chiến sĩ Nguyễn Hữu An (Trường Đại học PCCC) lưu ý, ngoài việc tuân thủ các quy định giao thông đường bộ, người vận chuyển còn phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều luật PCCC và Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16-12-2014 của Bộ Công an. Cụ thể, điều 6 Thông tư số 66/2017/TT-BCA về vận chuyển hóa chất nguy hiểm, cháy nổ quy định: “Phương tiện vận chuyển phải là phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong hoặc động cơ phòng nổ. Đặc biệt động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định; ống xả của động cơ phải được đặt ở vị trí kín hoặc được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy nổ; hệ thống điện (kể cả bình ắc quy) phải bảo đảm không phát sinh tia lửa; dây dẫn điện bằng lõi đồng phải bảo đảm cách điện và có tiết diện theo thiết kế; sàn và kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy nổ phải được làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy và không phát sinh tia lửa do ma sát”. Ngoài ra, phương tiện phải có mái che chống mưa, nắng; phương tiện chở chất lỏng nguy hiểm về cháy nổ phải có dây tiếp đất; phương tiện vận chuyển hóa chất tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ phải có biểu trưng cảnh báo theo mẫu số PC01 ở kính phía trước và hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển…
Nhằm đảm bảo các quy định an toàn trong vận chuyển hóa chất, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, đặc biệt là xăng dầu và hóa chất. Đồng thời cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật. Ủy ban ATGT quốc gia cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và cảnh báo các nguy cơ gây TNGT liên quan đến xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ. Phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật về an toàn vận tải đối với hoạt động vận chuyển loại hàng hóa này.
Đinh Vũ
Bình luận (0)