Khảo sát, dự báo nhu cầu nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các trường TC-CĐ nghề đã và đang thực hiện để đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động này rải rác, chưa đồng bộ, số liệu chưa chính xác dẫn đến cung – cầu còn vênh nhau.
Sinh viên tìm việc tại một ngày hội việc làm
TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng bám sát nhu cầu thị trường để tuyển sinh, đào tạo cũng là giải pháp để các trường nghề tồn tại khi tiến đến thực hiện tự chủ tài chính.
Ngành nào cần lao động trong 15 năm tới?
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định vai trò thông tin thị trường lao động trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là rất quan trọng. Thông tin chính xác có tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, từ đó tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, quy hoạch phát triển nhân lực TP ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao. Cụ thể là 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa chất – nhựa cao su) và 9 ngành dịch vụ (tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm, GD-ĐT, du lịch, y tế, kinh doanh tài sản – bất động sản, dịch vụ tư vấn, dịch vụ kho bãi – vận tải – cảng…).
Một số trường đã tích cực thực hiện hoạt động thông tin thị trường lao động nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa chính xác và còn phân tán thông tin. Trong khi nhu cầu thông tin của nhiều người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chưa được đáp ứng đầy đủ, thông tin cung – cầu, giá cả lao động, luật pháp về lao động còn hạn chế, thông tin không kịp thời và đầy đủ. |
Việc chuyển dịch lao động giữa các ngành nghề, các khu vực kinh tế và hội nhập thu hút cả lao động phổ thông, lao động có nghề ở những trình độ đào tạo khác nhau. Qua đó góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho bộ phận lao động dư thừa đang có xu hướng tăng và đáp ứng nhu cầu lao động cho nhiều ngành nghề mới.
Đề cập đến xu hướng nhu cầu nhân lực tại TP.HCM trong giai đoạn 2018-2025 đến 2030, ông Tuấn dự báo có khoảng 300.000 chỗ việc làm (150.000 chỗ việc làm tăng thêm). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó trình độ sơ cấp 21%, TC 28%, CĐ 16% và ĐH trở lên 18%.
Trong tổng nhu cầu nhân lực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 70%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28% và khu vực nông nghiệp chiếm 2%; 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 21%; 9 nhóm ngành dịch vụ 42% và các ngành nghề khác 37%; nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng – pháp luật – hành chính chiếm 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm 7% và các nhóm ngành nghề khác chiếm từ 3-5%.
Từ nay đến 2025, dự báo nhu cầu nhân lực trình độ TC-CĐ sẽ tập trung nhiều vào các nhóm ngành: cơ khí, điện – điện lạnh – điện công nghiệp, công nghệ thông tin, xây dựng, cơ khí, du lịch – nhà hàng – khách sạn, y tế – dược, kế toán – tài chính, điện tử – viễn thông. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng trình độ CĐ chiếm 16%; TC chiếm 34% và vẫn tiếp tục chú trọng lao động có trình độ, tay nghề.
Thị trường lao động mở nhưng… không mở
Các chuyên gia nhân lực đánh giá, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra là chúng ta cần đào tạo một đội ngũ tay nghề cao, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận. Qua đó giúp lao động tự tin hơn khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm.
“Vì vậy cần có cách nhìn về thị trường lao động mở với các xu hướng việc làm sau: các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế; khu vực kinh tế phi chính thức (lao động tự do các nhóm ngành dịch vụ, phục vụ và tiểu thủ công nghiệp); xuất khẩu lao động, di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh/thành, khu vực kinh tế, quốc gia và hội nhập; khởi nghiệp và tự tạo việc làm”, ông Trần Anh Tuấn định hướng.
Ba nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển gồm: công nghiệp chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Theo đó, mục tiêu quy hoạch từ 2020 đến 2030 tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí – luyện kim, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin, dệt may – da giày, chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm – đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, điện, than, dầu khí. Riêng giai đoạn đến 2035 định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành gồm cơ khí – luyện kim, điện tử – tin học và dệt may – giày da. |
Từ nhu cầu thực tế, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các trường TC-CĐ tập trung đầu tư, mở ngành mới đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. “Thị trường lao động hội nhập là thị trường mở nhưng không mở, bởi doanh nghiệp đòi hỏi cao ở người lao động không chỉ chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng khác, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Các trường TC-CĐ trên địa bàn TP cần bắt tay nhau, rà soát lại các ngành nghề trùng lắp, xem thế mạnh của từng trường ở ngành nghề nào thì hợp tác tuyển sinh, đào tạo tránh đào tạo tràn lan dẫn đến ra trường không có việc làm. Đào tạo chuyên sâu, không chỉ cung cấp cho người học kiến thức chuyên môn mà còn trang bị kỹ năng đảm bảo ra trường người học có thể tiếp cận ngay với công việc ở cả môi trường doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lâm lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)