Bến xe Miền Đông mới (quận 9, TPHCM) chính thức hoạt động từ ngày 10.10, bước đầu phục vụ các tuyến có cự ly 1.100 km trở lên, từ Quảng Trị trở ra phía Bắc. Việc di dời các tuyến vận tải từ bến xe cũ đến Bến xe miền Đông mới khiến nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại số lượng hành khách giảm bởi bến xe mới ở xa ngoại thành, tình trạng “xe dù, bến cóc” có thể sẽ phát sinh trong nội thành.
Bến xe Miền Đông mới vắng khách sau hai ngày hoạt động
Giao thông kết nối chưa hoàn chỉnh
Theo ghi nhận ngày 11.10, dù đã chính thức đi vào hoạt động ngày thứ hai nhưng bến xe Miền Đông mới rất vắng vẻ và hầu chưa chưa có khách. Các tuyến xe buýt kết nối vào bến xe mới cũng lác đác vài khách. Theo ông Nguyễn Hoàng Huy – Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông – trong hai ngày đầu hoạt động, mỗi ngày bến xe mới chỉ có 14 chuyến xe làm thủ tục xuất bến, lượng hành khách mỗi chuyến chỉ vài người. Lý giải việc này, ông Huy cho biết trong 3 tháng đầu, các đơn vị vận tải còn lưu đậu xe để đón trả khách tại bến xe Miền Đông hiện hữu (tức bến xe cũ), sau đó mới đến bến xe Miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định.
“Trong giai đoạn đầu chỉ tổ chức 22 tuyến xe khách (thuộc 71 tuyến nằm trong danh mục được Bộ Giao thông Vận tải công bố hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới) đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly tuyến 1.100km trở lên hoạt động tại bến xe mới. Sau khi triển khai di dời xong giai đoạn 1, bố trí hoạt động ổn định sẽ tiếp tục thực hiện với các tuyến khác” – ông Huy nói.
Mặc dù bến xe Miền Đông mới hoạt động nhưng hạ tầng giao thông kết nối vào bến xe vẫn chưa hoàn thiện. Theo quy hoạch, trước cổng ra vào bến sẽ có cầu vượt trên xa lộ Hà Nội. Khi đó các dòng xe ra vào bến sẽ chui dưới tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên và cầu vượt này để không gây xung đột với dòng xe chạy thẳng trên quốc lộ. Theo kế hoạch trước đây, cầu vượt phải xây dựng đồng bộ, hoàn thành cùng lúc đưa bến xe mới vào hoạt động. Tuy nhiên đến lúc này cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Ngoài ra, đường số 13 nằm bên bến xe, đường Hoàng Hữu Nam kết nối từ bến xe ra trục đường D400 vẫn chưa được mở rộng mà chỉ được trải lớp nhựa mới. Tuy nhiên, do các tuyến đường này là đường đi vào điểm tập kết xe container nên mặt đường bắt đầu xuống cấp, hố lún sâu và đầy sỏi đá.
Doanh nghiệp than khó khi về “nhà mới”
Do bến xe Miền Đông mới nằm ở cửa ngõ phía Đông của TPHCM nên khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp sẽ rút ngắn được quãng đường gần 20km từ trung tâm thành phố ra bến xe và không phải khốn khổ vì kẹt xe như ở khu vực bến xe cũ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ băn khoăn liệu hành khách có chấp nhận tốn thêm tiền đi xe buýt, taxi và mất 30-40 phút để đi từ bến xe cũ ra bến xe mới?
Ông Lê Thanh Quang – phụ trách điều hành Công ty CP vận tải tốc hành Mai Linh (Mai Linh Express) – lo lắng, bến xe mới ở xa ngoại thành, tình trạng “xe dù, bến cóc” có thể sẽ phát sinh xung quanh bến xe Miền Đông mới và nội đô.
“Một số doanh nghiệp vận tải mở các bến cóc, xe dù hoạt động trong nội thành thu hút hành khách đi xe với chi phí thấp hơn so với bến xe Miền Đông mới. Do đó, việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động mà chưa có giao thông công cộng kết nối, đặc biệt là tuyến metro số 1 chưa hoàn thành sẽ rất bất lợi” – ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, khi di dời ra bến xe mới, chi phí cố định của doanh nghiệp vận tải cũng theo đó sẽ tăng lên như: Chi phí phòng vé đặt trong thành phố và thêm một phòng vé tại bến xe mới; chi phí nhân sự (xe trung chuyển từ trong thành phố ra bến xe mới cộng với chi phí nhân sự vận chuyển) cho dù lượng khách chưa biết tăng hay giảm.
Ông Nguyễn Hoàng Huy cho biết sẽ có các giải pháp tối ưu để giảm chi phí, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp di dời từ bến cũ sang bến mới. Trong đó, tại bến xe Miền Đông cũ sẽ không thu phí ra vào, chỉ thu phí đậu, hoa hồng bán vé.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), khi bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động có thể sẽ thuận lợi cho cư dân tại khu vực quận 9 nhưng cũng có thể có những khó khăn cho hành khách trong nội thành. Tuy nhiên, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kết nối 3 xe buýt vào bến xe mới để phục vụ cho quá trình đi lại của người dân được thoải mái.
Ngoài ra, các đơn vị vận tải sẽ có phương án trung chuyển khách từ bến cũ sang bến mới phù hợp, trên cơ sở kết hợp với các loại xe khác (hành khách có thể tự chọn thay vì đến bến xe cũ): xe trung chuyển, xe buýt, xe cá nhân, xe công nghệ…
Về xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết sở đã đề nghị Thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý một số khu vực trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường xung quanh khu vực bến xe Miền Đông cũ, dọc tuyến kết nối bến xe mới. Tổ thanh tra có trách nhiệm kiểm soát, xử lý, báo cáo kịp thời tình trạng “xe dù, bến cóc”, đảm bảo việc di dời đi liền với chống hiện tượng xe hợp đồng trá hình tung hoành. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ phối hợp khảo sát, gắn thêm camera phục vụ xử phạt nguội, cắm biển báo, phân luồng giao thông, tránh ùn tắc giao thông quanh bến xe mới…
Bình luận (0)